Năm 2007, gia đình anh đầu tư mua 10 kg giun giống Thái Bình 3 tại Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây với giá 150.000 đồng/kg về nuôi; đầu tư xây 20 khoang nuôi giun với kích thước là 3 m2/khoang; trong chăn nuôi anh thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên giun sinh sản và lớn rất nhanh; lượng giun sản xuất ngoài đáp ứng cho chăn nuôi cá và gia cầm trong gia đình, còn cung cấp được trên 20 kg giun giống cho nhiều hộ dân trong vùng với giá 200.000 đồng/kg, thu về trên 4 triệu đồng/năm.
Với 3.000 m2 ruộng lúa 2 vụ kết hợp nuôi cá chép, mỗi năm anh thu được trên 3 tấn lúa, trị giá trên 15 triệu đồng và 1.200 m2 ao vừa nuôi cá thịt, vừa nuôi cá giống, kết hợp với việc làm cá mắm chua đặc sản của địa phương, mỗi năm cùng thu được trên 20 triệu đồng; 4 triệu đồng từ tiền bán gà và ngan thịt. Ngoài ra, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại vườn đồi của gia đình anh còn nuôi trên 100 con thỏ, hàng năm thu trên 2 triệu đồng. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm từ sản xuất gia đình anh thu được trên 45 triệu đồng.
Qua thực tế sản xuất, anh Dương chia sẻ kinh nghiệm: ưu điểm của mô hình nuôi giun là đầu tư rất thấp, mỗi tháng chỉ đầu tư 50.000 đồng tiền mua phân làm thức ăn nuôi giun là đủ, lượng giun sinh ra đủ để làm thức ăn cho cá và gà, ngan trong gia đình. Mặt khác, việc nuôi giun bừa giúp chủ động được nguồn thức ăn, vừa đảm bảo dinh dưỡng trong chăn nuôi, nên cá và gia cầm của gia đình anh không những lớn nhanh mà còn ít mắc bệnh. Việc làm mắm cá chép không sợ ế vì có ít người làm, người ăn lại nhiều, làm ra đến đâu bán hết đến đó mà lại còn bán được giá...
Là một cán bộ Hội nông dân xã, anh thường xuyên hướng dẫn và tuyên truyền cho bà con trong vùng kỹ thuật nuôi giun làm thức ăn trong chăn nuôi, nuôi cá luồn lúa và cá giống nhằm giúp bà con trong xã tăng thu nhập. Anh Nông Ngọc Dương là một tấm gương giúp cho bà con nông dân học tập và làm theo trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất.