00:00 Số lượt truy cập: 2662553

Tuyên Quang: Triển khai đề tài nghiên cứu cải tạo đàn bò vàng địa phương 

Được đăng : 03/11/2016

Từ tháng 9/2007, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bò Tuyên Quang triển khai đề tài nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật lai tạo giống bò có năng suất, chất lượng cao để cải tạo đàn bò vàng địa phương.


Nội dung cải tạo gồm: xác định công thức lai tạo tốt nhất làm cơ sở khoa học để cải tạo tầm vóc và chất lượng đàn bò vàng địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững.

Đề tài được triển khai thực hiện ở 7 xã thuộc huyện Yên Sơn là Phú Lâm, Mỹ Bằng, Đội Cấn, Đội Bình, An Tường, Lưỡng Vượng và Hoàng Khai. Các xã bình tuyển, chọn lọc 200 con bò vàng cái địa phương đủ tiêu chuẩn để thực hiện đề tài; xây dựng các mô hình cải tạo đàn bò vàng địa phương bằng cách lai tạo giữa giống bò đực Brahman đỏ, trắng; Drought; Master; Redsindhi với bò vàng địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; lai tạo giữa bò đực giống lai Sind với bò cái vàng địa phương bằng phương pháp phối giống trực tiếp; theo dõi, xác định và lựa chọn ra công thức lai tốt nhất để cải tạo đàn bò vàng địa phương.

Tuyên Quang hiện có trên 5,2 vạn con bò. Bình quân hằng năm, đàn bò của tỉnh tăng 17,8%. Tuy nhiên, gần 90% số bò địa phương hiện nay là giống bò vàng, tầm vóc nhỏ, trọng lượng trưởng thành đạt 160 đến 180 kg, tăng trọng chậm và tỷ lệ thịt xẻ thấp (42 đến 44%); tỷ lệ Zêbu hóa đàn bò địa phương đạt thấp, khoảng 10%. Chăn nuôi bò ở Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu quy hoạch, công nghệ bao gồm các yếu tố giống, thức ăn, thú y, kỹ thuật chăm sóc... Việc cải tạo phẩm cấp giống bò địa phương chưa đáp ứng theo tiến độ và chưa phát huy hết được ưu thế lai, tình trạng phối giống cận huyết làm thoái hóa phẩm cấm con giống còn phổ biến.

Thời gian gần đây, ngoài khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ, Tuyên Quang đã tập trung vào xây dựng các chính sách thông thoáng thu hút các nhà đầu tư liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho chương trình nuôi bò; huy động các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp cho người chăn nuôi vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, tỉnh xây dựng các chính sách ưu đãi về đất như: cấp đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất ổn định lâu dài đối với những hộ có nhu cầu phát triển trang trại chăn nuôi, xây dựng các cơ sở chế biến, trồng cây làm thức ăn cho đàn gia súc./.