00:00 Số lượt truy cập: 3081222

Tuyển chọn nhiều giống lúa cho năng suất cao và ổn định trên nhiều vùng sinh thái 

Được đăng : 03/11/2016
Trung tâm giống cây trồng Vĩnh Phú tuyển chọn thành công 5 giống lúa lai mới TH3-3, TH3-4, Q. Ưu số 1, Đắc ưu 11, Thục hưng 6 đạt năng suất chất lượng cao. Các giống lúa đã được trồng thử nghiệm ở cả ba vùng đất trung du, miền núi, đồng bằng tại Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo trên đất 2 lúa +1 màu đông.

Kết quả cho thấy, các giống lúa đều sinh trưởng phát triển tốt, thích ứng rộng, có thể cấy được hai vụ trong năm trên nhiều loại đất, chịu rét tốt ở vụ xuân, chịu nóng tốt ở vụ mùa, chịu hạn, chống đổ, ít nhiễm sâu bệnh, cho năng suất cao và ổn định trên nhiều vùng sinh thái. Trong đó các giống TH3-3, TH3-4, có thời gian sinh trưởng (TGST) ngắn từ 102 - 124 ngày, ngắn hơn so với đối chứng 5-7ngày, bông to, hạt nhiều, cơm mềm, dẻo, đạt năng suất từ 53,2- 70,7 tạ / ha, thích hợp vùng đồng bằng. Đặc biệt giống Q.ưu số1, Thục hưng 6, Đắc ưu 11, năng suất vụ xuân đạt tới 76,6- 86,5 tạ / ha, cao hơn đối chứng từ 8,8- 11,8 % cao nhất từ trước tới nay, chịu rét tốt, chịu thâm canh, chống đổ khá, bông to hạt nhiều, cơm ngon mềm, không dính, thích hợp ở cả ba vùng sinh thái.

Đạt được kết quả trên, Trung tâm giống cây trồng Vĩnh Phúc đã tìm ra mật độ cấy hợp lý cho từng vùng đất. Trong đó đối vùng đất trung du miền núi áp dụng mật độ cấy 50 khóm/mét vuông, đối với vùng đất đồng bằng áp dụng mật độ cấy 45 khóm/mét vuông, chỉ cấy từ 1-2 dảnh/khóm. Với mật độ cấy này giúp giảm từ 10-20 khóm/m2, giảm 2-3 dảnh/khóm so với cách trồng trước. Đối với phân bón, sử dụng công thức bón 7.000kg phân chuồng, 280kg phân ure, 550 kg phân lân, 220 kg phân kali/sào cho cả 3 loại đất trung du, miền núi và đồng bằng. Bón phân tập trung vào 3 thời kỳ, bón lót, bón thúc lần 1 khi cây bắt đầu để nhánh, bón thúc lần 2 trước khi đứng cái làm đòng. Với cách bón này giúp giảm 100 kg phân các loại/sào. Đồng thời áp dụng phương pháp tưới nước ở giai đoạn sinh trưởng của cây đó là: giai đoạn 6-7 ngày đầu sau cấy và từ 40-45 ngày trước khi gặt, giữ nước ở mức 4-5 cm, giúp giảm 3 lần tưới nước/vụ; Chỉ khi nào sâu bệnh hại vượt ngưỡng mới tiến hành phòng trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật. Riêng các bệnh đạo ôn, bạc lá, đốm khi thời tiết thích hợp cho bệnh phát triển mới sử dụng thuốc, với cách phòng bệnh này giúp giảm từ 2-3 lần phun thuốc.

Trung tâm giống cây trồng Vĩnh Phúc đang tiến hành tập huấn kỹ thuật cho người nông dân, nhằm nhân rộng diện tích trồng lúa lai ra toàn tỉnh.