Có đất trong tay, nhiều đêm Nhận trằn trọc suy tính nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp. Nhận quyết định đầu tư nuôi lợn bởi anh nghĩ: “Vật nuôi này gắn liền với người nông dân, thị trường tiêu thụ rộng lớn”. Sức trẻ năng động, với nguồn vốn tích góp được, Nhận vay mượn thêm để xây dựng trang trại.
Cả tiền vay mượn và tiền tích góp được 800 triệu đồng, Nhận bắt tay vào xây dựng chuồng trại, mua lợn nái giống để tự tạo nguồn giống cho gia đình, mỗi lợn nái mẹ mua vào trị giá 20 - 25 triệu đồng. Ngoài ra, Nhận còn đào ao thả cá để tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi. Lúc đầu do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên trang trại của anh gặp không ít khó khăn, có những lúc tưởng như thất bại nhưng nhờ sự ham học hỏi mà mọi khó khăn cũng qua đi.
Làm giàu trên mảnh đất nghèo
Hiện, trang trại của anh có 30 lợn nái, mỗi năm đẻ hơn hai lứa, là nguồn cung cấp con giống cho trang trại. Mỗi năm anh nuôi được hai lứa lợn thịt. Chi phí nuôi một con lợn từ lúc tách mẹ đến khi xuất chuồng khoảng 1,7 triệu đồng, đến lúc xuất chuồng đạt khoảng 100kg/con. Theo Nhân, sau khi trừ chi phí, mỗi con lãi 1 triệu đồng. Tính cả hai lứa lợn, Nhận thu lãi gần 800 triệu đồng. Hệ thống chuồng trại được thiết kế cao ráo, đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông, phân được xử lý trước khi thải xuống ao thông qua hệ thống biôga. Hiện Nhận đang xây dựng thêm một khu trang trại để mở rộng quy mô cũng như số lượng lợn trong thời gian tới.
Ngoài nguồn thu nhập từ lợn, mỗi năm Nhận còn thu hoạch hai vụ cá, trừ chi phí, lãi 30 triệu đồng. Đáng nói là nuôi lợn, cá không mất nhiều thời gian, kỹ thuật không khó, chủ yếu là nguồn đầu tư ban đầu. Trong thời gian tới, anh sẽ mở rộng trang trại để nuôi ba ba.
Chia sẻ về bí quyết thành công, Nhận bảo, để có được thành công như hôm nay anh phải tích cực học hỏi, thường xuyên đọc sách báo, tham khảo ý kiến bạn bè. Hơn thế, nghề này đòi hỏi người làm phải có tính cần cù, chịu khó mới thành công
Mô hình trang trại nuôi lợn của Nhận là một điển hình, thể hiện ý chí dám nghĩ, dám làm của chàng trai trẻ vùng chiêm trũng. Hiện mô hình của Nhận đã được nhiều người trong huyện và khu vực lân cận đến học hỏi kinh nghiệm.