00:00 Số lượt truy cập: 3054139

Tỷ phú cá lóc vùng biên 

Được đăng : 03/11/2016

1,5ha mặt nước nuôi cá lóc bông, mỗi năm xuất bán gần 400 tấn cá thương phẩm và hơn 3 triệu con cá giống, ông Sáu Xê (Nguyễn Văn Xê ở ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú – An Giang) đã trở thành tỷ phú.


Nói về chuyện làm ăn, ông Sáu Xê hồ hởi cho biết ông có hai cái ao sau nhà rộng 6.000m2 và hai cái bè (126m3) trên sông Bình Di đang nuôi cá lóc bông thương phẩm, cá đạt trọng lượng 0,9-1kg/con. Dự kiến sang tháng hai âm lịch, cá vô cỡ 1,7kg, xuất bán. Tại xã Vĩnh Ngươn, TX. Châu Đốc ông cũng có 1 ao 6.000m2 nuôi cá lóc bông.

Với diện tích ao, bè nuôi cá thương phẩm, mỗi vụ thu hoạch từ 180-200 tấn và nuôi hai vụ/năm gần 400 tấn. Ông chiết tính, 3,7 kg mồi nuôi được 1kg cá thịt (6,3kg mồi nuôi đạt trọng lượng 1,7kg/con), trừ các khoản chi phí, lãi 5.000 đồng/kg cá thương phẩm. Khu vực nuôi cá giống, ông dành cái ao 3.000m2 tại Phước Hưng cho cá đẻ và ương cá con, mỗi năm xuất bán hơn ba triệu con. Sáu Xê bộc bạch, thành công mô hình nuôi cá lóc bông đã giúp ông làm giàu.

Là cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, ông tâm sự, sau khi dẹp xong bọn giặc Pôn-Pốt, cuộc sống vùng biên giới đã bình yên nên tôi rút lui về làm kinh tế gia đình. Sống ở vùng lũ đầu nguồn, chọn mô hình nuôi cá lóc bông để sản phẩm làm ra bán không bị dội chợ, rớt giá. Tuy nhiên, cái khó là tìm nguồn cá giống, phải sang tận Campuchia mua cá con đánh bắt thiên nhiên, giá vừa đắt mà còn khó mua, do nước bạn cấm đánh bắt, khai thác cá non.

Nhớ lại mấy năm đi đánh giặc ở rừng, thấy cá lóc bông đẻ và dẫn bầy đỏ rực cả lung đìa trên đồng hoang nên tôi bật ra ý tưởng cho cá lóc bông sinh sản. Thế nhưng, khi bắt tay vào việc, ông gặp rất nhiều trở ngại. Ông kể, nhiều người nuôi cá ở địa phương cho rằng Sáu Xê bị “man” hay sao mà cho cá lóc bông đẻ. Bởi xưa nay, cá lóc bông chỉ đẻ ở Biển Hồ Campuchia hoặc ở những vùng trũng, lung đìa trong rừng tràm. Bất chấp lời đàm tiếu, chê bai, ông quyết định làm và cho cá đẻ nhân tạo quanh năm. Khi đã thành công, nhiều người đến học hỏi và mua con giống về nuôi.

Nước thải nuôi cá, ông xả ra ruộng lúa, tiết kiệm được 80% lượng phân bón. Thay vì một ha lúa bón 10 bao phân (500kg), nay chỉ bón 2 bao nhưng năng suất lúa vẫn cao, đạt 9-10 tấn/ha. Ngoài 1,7 ha ruộng nhà, ông còn cung cấp nước cho các ruộng lúa lân cận, mỗi vụ thu về 70 giạ lúa. Mô hình nuôi cá của ông đã tạo việc làm cho 20 lao động, mức nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng, bao cơm nước và nơi ở.

Ông Sáu Xê cho biết, việc đầu tiên là chọn cá giống bố mẹ từ thiên nhiên, kích cỡ 2,5-3 kg/con. Thả cá bố mẹ vào ao và cho ăn thúc để cá đủ sức nuôi buồng trứng. Sau đó, kích thích cá đẻ bằng cách bơm nước sông vào đầy ao cho cá có cảm giác như nước lũ đang lên. Trên mặt ao, che cái chòi chừng 1m2 và làm tổ cho cá đẻ. Ban đầu, ông cho cá bố mẹ dẫn ròng ròng đến khi đạt trọng lượng 350 con/kg, xuất bán. Tuy nhiên, cách làm này tỷ lệ cá ròng ròng đạt thành cá giống không cao, do bị các loài cá khác “xơi” hoặc vi khuẩn tấn công. Sau đó, ông làm vèo để dưỡng cá con, khi trứng nở thành khói đèn, dùng thau múc thả vào mùng lưới dưỡng và cho ăn trứng nước. Giai đoạn tiếp theo cho ăn mồi cá biển xay nhuyễn. Cách làm này, tỷ lệ ương cá giống đạt gấp đôi so với cho cá mẹ dẫn đàn.

Sáu Xê cho hay, hiện đang nuôi 500 cặp cá giống bố mẹ. Đầu tháng giêng âm lịch, làm tổ cho cá đẻ và mỗi năm chỉ đẻ 3-4 đợt. Mỗi đợt, cho đẻ khoảng 300 cặp và dưỡng đạt cá giống xuất bán hơn một triệu con. Cá có kích cỡ 350 con/kg bán giá 400-500 đồng/con; kích cỡ 100 con/kg bán được giá 1.000-1.200 đồng/con. Vòng đời cá bố mẹ không quá 5 năm.