Ngay sát con lộ, bà Kíu, người Sán Dìu, quê ở huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) vào xã Tân Châu (Di Linh) lập nghiệp đang bận bịu với cuốn sổ ghi chép, trên tay cầm chiếc máy tính. Bà Kíu nói: “Sắp đến tuổi nghỉ ngơi rồi, mấy năm nay tôi mở đại lý kinh doanh kiếm đồng ra đồng vào”. Người nông dân ngót 40 năm bám đất, bám rừng đeo đuổi nghề trồng càphê này xuất phát điểm với hai bàn tay trắng và chỉ 100 cây càphê được chia sau khi hợp tác xã giải thể. Bà Kíu nhớ lại, thời điểm khó khăn năm 1988, cả nhà có chừng 50kg càphê nhân, vợ chồng bà quyết định đem đổi lấy một mẫu đất rừng. Bà kể: “Tôi làm theo cách lấy ngắn nuôi dài, vừa có vài sào rau màu phục vụ cuộc sống, lại khai hoang mở mang thêm diện tích... Có vườn càphê, bà đem thế chấp cho ngân hàng để vay vốn đầu tư trồng mới, mua thêm đất...”.
Tới nay, gia đình “tỷ phú nông dân” Lồng Sỉu Kíu có khoảng 18ha càphê. Năm ngoái gia đình bà thu về 45 tấn càphê, tính sơ sơ, gia đình bà thu về vài trăm triệu đồng. Đi lên từ cây càphê, gia đình bà hoàn thiện căn nhà rộng 200m2 với đầy đủ tiện nghi, mua ô tô, mở thêm dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, các loại vật tư phục vụ sản xuất.
Con đường vươn lên từ càphê của gia đình bà Kíu là một trong những mô hình đầu tư làm ăn lớn, mang lại hiệu quả cao tại xã Tân Châu. Bí thư Đảng ủy xã Tân Châu Doãn Xuân Hùng cho biết, nhiều năm qua, xã triển khai nhiều dự án “càphê chất lượng cao, càphê bền vững”, thông qua việc hướng dẫn canh tác, thâm canh tăng năng suất, hướng dẫn bà con biết thay đổi diện tích càphê già cỗi bằng giống càphê cao sản... Bằng chủ trương, hướng đi đúng của các cấp, các ngành, bà con chung tay quyết chí vươn lên thoát nghèo, nay nhiều hộ khấm khá, xây nhà cửa khang trang. Đến nay, xã có hơn 600 hộ thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Còn “tỷ phú” như gia đình bà Kíu có gần 15 hộ, thu nhập trung bình mỗi người dân đạt 15 triệu đồng/năm.