Tỷ phú chăn nuôi trên đất Quảng Nam
Được đăng : 03/11/2016
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Văn Kiệt (thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, Điện Bàn - Quảng Nam) đã vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay và khối óc của mình và trở thành tỷ phú khi tuổi đời còn rất trẻ...
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà kế sinh nhai chỉ là mấy sào ruộng khoán và cái nghề chăn nuôi nhỏ lẻ, lắm rủi ro. Ngày vợ chồng Nguyễn Văn Kiệt ra ở riêng, cha mẹ anh cho miếng đất nhỏ để dựng một căn lều chỉ đủ để chiếc chõng tre. Anh bảo, thời điểm năm 2000 trở về trước, mỗi khi đi chợ mua bó rau muống hay con cá phèn có giá trị từ 3 nghìn đồng trở lên là vợ chồng luôn phải đắn đo.
Đầu năm 2003, ngoài số tiền dành dụm bấy lâu, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ địa phương, Nguyễn Văn Kiệt được vay ưu đãi 40 triệu đồng và quyết định thuê 1,5 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả của một số hộ dân để xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Anh quy hoạch 1,5 ha đất thuê thành 4 ao nuôi cá nước ngọt, trong đó có 1 ao ươm cá giống. Năm đầu tiên nuôi 2 vụ, mỗi vụ thả từ 25 đến 30 nghìn con (chủ yếu là cá trắm cỏ, cá trôi, cá mè, rô phi đơn tính, điêu hồng) Nguyễn Văn Kiệt thu về 160 triệu đồng, trừ mọi chi phí đầu tư, anh lãi ròng hơn 70 triệu đồng. Từ thành công ấy, 7 năm qua ngoài việc thường xuyên tìm tòi, học hỏi nhằm nâng cao kỹ thuật chăm sóc, anh tiếp tục đầu tư gia cố trang trại để mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ chất lượng con giống tốt, quy trình nuôi hợp lý, đầu ra ổn định, bình quân mỗi năm vợ chồng Nguyễn Văn Kiệt bỏ túi không dưới 100 triệu đồng từ trang trại.
Không dừng lại ở chuyện con cá, năm 2007, được Trạm Khuyến nông Điện Bàn giúp sức, Kiệt đưa về 10 con heo nái ngoại thả nuôi theo phương thức bán công nghiệp. Ba năm trở lại đây, mỗi năm đàn nái này cho ra đời khoảng 150 - 170 con heo con, bán hết ra thị trường anh thu về gần 200 triệu đồng, trong đó tiền vốn bỏ ra cho khâu phối giống, thức ăn, phun tiêu độc chuồng trại... chỉ chiếm chừng phân nửa. Bên cạnh việc sản xuất heo con giống, thời gian qua vợ chồng Kiệt còn đầu tư mạnh cho việc chăn nuôi heo hướng nạc. Bình quân mỗi năm trang trại của anh xuất bán 10 - 12 tấn heo thịt, lãi ròng hơn 50 triệu đồng.
Đầu năm 2008 đến nay, tận dụng mặt nước nuôi cá, mỗi vụ anh Kiệt còn kiếm 25 - 30 triệu đồng từ việc nuôi 4 nghìn con ếch Thái Lan theo mô hình thả lồng. Để tạo thêm nguồn thức ăn cho cá (từ phân gà), anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 3 trại nuôi gà thịt quy mô lớn. Theo anh, mỗi năm nuôi chừng 4 lứa, mỗi lứa 5 - 6 nghìn con thì cũng lời ít nhất 80 triệu đồng. Hơn 6 năm nay, những sản phẩm từ trang trại tổng hợp với “thương hiệu” Trường Giang của Nguyễn Văn Kiệt là nguồn cung ứng chính cho các đầu mối tiêu thụ tại TP. Đà Nẵng và các địa phương khác ở khu vực miền Trung.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Văn Kiệt còn là một trưởng thôn gương mẫu, nhiệt tình. Ở làng Đông Hòa này, lâu nay, hễ ai thiếu vốn làm ăn là anh sẵn sàng cho mượn và truyền đạt lại những kinh nghiệm mình có được, nhà nào không may gặp rủi ro, hoạn nạn, anh không ngần ngại rút tiền túi hỗ trợ. “Bây giờ có tiền tỷ trong tay nhưng mình không thể nào quên những tháng ngày đầy gian khó trước đây. Bởi vậy vợ chồng mình sẵn sàng nâng đỡ cho những ai gặp phận nghèo như mình”. - Nguyễn Văn Kiệt tâm sự.