Là chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp ở đô thị, nhưng anh Trần Đắc Nhã, trú phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu) rất say mê với kinh tế trang trại. Cách đây hơn 10 năm, anh dồn hết vốn liếng mua 15 ha đồi rừng tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh (Hòa Vang), trồng cây ăn quả, keo lai, nuôi cá nước ngọt. Gọi anh là tỷ phú không ngoa khi mà 15ha đất lâm nghiệp cùng hàng chục vạn cây keo lai gần đến kỳ thu hoạch, đàn heo rừng trên 280 con. Hiện trang trại nông-lâm-ngư kết hợp này là điểm đến của nhiều người. Họ đến tham quan, học hỏi anh về kỹ thuật nuôi heo rừng và mua con giống.
Dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi heo rừng đủ lứa tuổi, anh Nhã cho hay: Nuôi heo rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cả. Gần 1 năm kể từ ngày thả giống là có heo xuất chuồng. Heo rừng dễ nuôi, ít bệnh tật, giá thành cao, tiêu thụ thuận lợi. Giữa rừng keo, anh chăng lưới B40 chừng vài ba hec-ta, ngăn thành từng ô, mỗi ô vài trăm m2. Giữa các ô, xây 1-2 chòi nhỏ lợp tôn hoặc lá cọ để heo vào trú mưa và làm nơi cho heo mẹ sinh sản. Những con heo nái ước 60 - 70kg, heo đực giống gần 1 tạ dáng dữ dằn nhốt trong các ô này.
Heo con không nhốt, tha hồ chạy ra ngoài khu vực chăng lưới. “Phía ngoài còn lớp rào nữa. Heo con, heo choai thả tự do. Ra ngoài gặp gì ăn nấy, kể cả cỏ, đến giờ cho ăn là chúng kéo về”, anh Nhã cho biết. Không như heo nhà đều đều mỗi năm 2 lứa, heo rừng đẻ thưa và ít con hơn. Nhiều con chỉ đẻ 1 lứa/năm. Mỗi lứa chỉ 4-5 con là nhiều. Hiện ở đây heo đực giống và nái mẹ đều là heo rừng gốc nên tỷ lệ sinh sản thấp. Tuy vậy, chất lượng con giống cao, khách hàng rất ưa chuộng. Anh còn cho biết, đầu tư ban đầu khá lớn, gần 1 tỷ đồng tiền con giống và xây dựng chuồng trại.
Tuy vậy, chỉ vài năm là lấy lại vốn. 60 nái mẹ mỗi năm ít nhất cũng cho thêm 400 heo con. Với giá 300 nghìn đồng/kg với heo cái giống, 150 nghìn đồng/kg với heo thịt, số tăng đàn, cũng cho doanh thu khoảng nửa tỷ đồng. Hiện tại không có con giống để bán. Nói về kinh nghiệm nuôi, anh Nhã bật mí: heo rừng vốn là động vật hoang dã. Để có thịt thơm ngon, tốt nhất không gian nuôi phải giống môi trường tự nhiên, tức là rộng rãi, có rừng cây, có suối nước. Thức ăn cho chúng cũng vậy, gần giống như hồi chúng sống trong môi trường tự nhiên, chủ yếu là khoai sắn, bắp, rau, thỉnh thoảng bổ sung thức ăn tinh gồm cá biển, cám gạo...
Vào trang trại, ai nấy đều mê rừng keo của anh. Hàng chục vạn cây trồng có hàng có lối đều tăm tắp. “Không bị thiệt hại do bão số 6, nay chắc giàu to rồi”, anh Nhã cho hay. Dạo đó, gần đến kỳ thu hoạch, bão làm gãy đổ gần hết, thu chỉ được 1 phần 3.
Đến thăm trang trại ở lưng chừng đồi, khuất giữa rừng keo, chúng tôi đều cảm phục nghị lực của ông chủ mới ngoài 40 tuổi này. “Nhiều đêm chỉ mình tôi ở lại. Anh em làm công đa số nhà gần đây, tối đến họ về với gia đình. Chỉ những hôm heo đẻ hoặc có công chuyện mới có vài ba người ở lại”, anh Nhã tâm sự rồi đúc kết:
Thu nhập từ kinh tế trang trại không hề đơn giản. Ngoài mạnh dạn đầu tư phải thật sự chịu khó và hiểu biết về nhiều lĩnh vực, kể cả nhu cầu thị trường. Có được thành quả hôm nay phải tốn rất nhiều mồ hôi công sức...Hy vọng kinh nghiệm xây dựng trang trại của anh Trần Đắc Nhã sẽ được nhiều người học tập, làm theo.