Đến thăm mô hình trang trại nuôi heo lót đệm sinh học của ông Lê Mộng Bảo (50 tuổi) tại thôn 1, xã Lộc Thành (Bảo Lâm - Lâm Đồng) mới thấy nghị lực vươn lên làm giàu của một người nông dân không cam chịu đói nghèo. Rời mảnh đất “khúc ruột” miền Trung (Quảng Ngãi) nghèo khó, bằng hai bàn tay trắng, năm 1986 vợ chồng ông Lê Mộng Bảo đến Lộc Thành lập nghiệp. Vượt qua bao gian khó, đến năm 2000, ông mới xây dựng được mô hình VACR với diện tích khoảng 10 ha (4 ha rừng trồng và 6 ha để phát triển chăn nuôi tổng hợp).
Ông Lê Mộng Bảo bên đàn heo nuôi bằng công nghệ cao
Ngày mới mở trang trại không có một đồng vốn trong tay, vợ chồng ông Bảo bắt tay vào khai hoang, trồng trà, cà phê và cây hoa màu. Sau một thời gian, gia đình ông chăn nuôi heo để lấy phân bón cà phê. Ban đầu nuôi 5 - 10 heo nái bán giống, rồi tăng dần số lượng. Năm 2001 - 2003, những lứa heo đầu tiên thắng lợi, vợ chồng ông vay vốn Ngân hàng No -PTNT để mua thêm heo giống nuôi với quy mô lớn. Nhớ lại những ngày đầy gian khó, ông Bảo tâm sự: “Cách đây gần 10 năm, gia đình chỉ dám nuôi vài chục con gà, 4 - 5 con heo nhưng sợ môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến khu dân cư, nên đã làm theo mô hình khép kín có hầm biogas. Vì sợ nuôi số lượng nhiều nếu chẳng may bị dịch bệnh sẽ mất trắng. Song nghĩ, nếu cứ như vậy biết khi nào mới khá giả được. “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, vợ chồng tôi quyết định đầu tư mở trang trại chăn nuôi heo mô hình lót đệm sinh học từ tháng 8/2012. Nguyên liệu làm đệm lót là mạt cưa, vỏ trấu, vỏ cà phê…”.
Không dừng lại ở đó, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến nay gia đình ông Bảo đã có đến 60 heo nái, hơn 350 heo thịt (chưa kể heo con giống).
Khi hỏi về thất bại đã gặp, ông Bảo cho biết: “Năm 2008, dịch bệnh xảy ra, đàn heo nhà tôi lăn ra chết, một ngày chết tới 50 con. Bê từng bao tải đi chôn mà tôi rớt nước mắt. Nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc. Tôi tìm đọc sách báo, tham gia các buổi tập huấn chăn nuôi của địa phương tổ chức. Trong quá trình nuôi, tôi ghi chép cẩn thận về tình trạng, chế độ ăn uống để theo dõi sức khỏe của đàn heo”.
Từ khi gia đình sử dụng nền chuồng heo là đệm lót lên men kết quả là không còn mùi hôi, tiết kiệm được nước do không phải tắm cho heo, rửa chuồng và giảm đáng kể công quét dọn. Thông thường, từ 1 - 2 ngày, ông Bảo mới đảo chuồng một lần để vi sinh vật phân hủy phân, nước tiểu gia súc. Cách nuôi heo trên đệm lót lên men tránh được heo tiếp xúc nền xi măng không bị trầy xước chân, tránh tiếp xúc môi trường bẩn, giúp heo có không gian vận động đi lại trong chuồng, giảm được lượng mỡ ở heo nuôi, tăng trọng nhanh. Đặc biệt, ở cách nuôi này giảm thời gian xuống còn 4 tháng nuôi là cho xuất chuồng bán, thay vì nuôi theo truyền thống phải mất 5 - 6 tháng. Không những thế, với mô hình đệm lót sinh học tiết kiệm được 80% nước do hoàn toàn không phải tắm cho heo và rửa chuồng trại; giảm được 60% chi phí nhân công…
Trời không phụ công người, giờ đây ông Bảo đã có trong tay một gia tài trị giá hàng tỷ đồng. Ông Lê Mộng Bảo đã được công nhận là nông dân sản xuất giỏi.