00:00 Số lượt truy cập: 2998796

Tỷ phú nuôi trâu Hà thành 

Được đăng : 03/11/2016
11 tuổi đã bắt đầu làm quen với con vật được coi là “đầu cơ nghiệp”, 17 tuổi sở hữu đàn trâu trị giá cả trăm triệu đồng, 24 tuổi nổi tiếng khắp xứ Đoài với biệt danh “vua trâu”. Đó là anh Đỗ Văn Thái ở thôn 5, xã Song Phương (Hoài Đức - Hà Nội).

Giàu nhờ biết tận dụng thời cơ

Sinh ra trong một gia đình nông dân nên tuổi thơ của Thái gắn với những ngày tháng chăn trâu cắt cỏ.

Học hết lớp 10, anh quyết định nghỉ học để nối nghiệp... chăn trâu của bố. Không thoả mãn với đàn trâu hơn chục con, anh tính toán vay vốn mua thêm nghé về nuôi và số lượng không ngừng nâng lên. Năm 2006, Nhà nước có chính sách thu hồi một phần đất nông nghiệp ở địa phương để xây dựng khu đô thị. Nhận thấy cả cánh đồng rộng lớn hàng chục hécta nằm trong dự án chưa làm tới, để cỏ mọc lãng phí, được sự đồng ý của Ban quản lý dự án, anh mạnh dạn mua 60 con trâu thả khắp đồng, có thời điểm lên tới 100 con. Vốn bỏ ra khoảng 500 triệu đồng, cuối năm bán trâu, trừ chi phí, anh thu lãi 150 - 170 triệu đồng. Nuôi nhiều trâu, chăn dắt không xuể, anh thuê thêm 2 người với mức lương 1,5 triệu đồng/người/tháng để phụ giúp.

Hiện anh đang là chủ nhân của hơn 60 con trâu lớn nhỏ. Những năm gần đây, khách mua trâu tìm đến anh ngày càng nhiều. “ Hầu như ngày nào cũng có người tìm đến hỏi mua trâu. Họ chủ yếu ở các tỉnh lân cận như: Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... Trâu vừa bán đi tôi lại nhập trâu mới về nuôi, đảm bảo đầu ra, đầu vào luôn ổn định”, Thái cho biết.

“Công nghệ" nuôi trâu

Đứng bên đàn trâu hơn 60 con của mình, Thái vừa ném từng bó rơm cho trâu ăn vừa tâm sự: “Để nuôi được đàn trâu lớn nhanh, béo khoẻ không hề đơn giản. Quan trọng nhất là khâu chọn giống, phải chọn con đuôi to (đuôi bẹ dừa), mõm bẹ, gốc sừng to, bốn chân to đều... Chọn được trâu tốt lại phải tính đến chuồng trại, đồng cỏ”. Trại trâu của Thái được chia làm nhiều khu riêng biệt: khu vực đồng cỏ để trâu ăn, khu đầm lầy để trâu tắm, khu ao nước sạch để trâu uống. Đồng cỏ lại được chia làm nhiều khu nhỏ, mỗi ngày cho trâu ăn ở một khu để thay đổi khẩu vị”.

Để chống rét cho trâu trong những tháng mùa đông, anh dựng một chuồng khá lớn bằng gỗ bạch đàn chắc chắn, đủ sức chứa gần 100 con trâu rồi phủ kín bạt xung quanh. Đặc biệt, công tác kiểm tra, phòng bệnh cho đàn trâu được anh theo dõi rất cẩn thận. Nếu thấy trâu có biểu hiện mắc bệnh, lập tức phun thuốc khử độc chuồng trại và dùng nước muối tắm rửa cho trâu, lấy khế chua xát toàn thân, bôi dầu nhớt để khử bệnh...

Do công tác phòng dịch, vệ sinh chuồng trại tốt nên đàn trâu của anh ít khi mắc bệnh. Nhìn đàn trâu con nào con nấy no căng, béo tốt, Thái cười mãn nguyện: “Hôm qua có ông khách ở Phú Thọ vào chọn mua 8 con trâu to khoẻ về cày ruộng với giá 80 triệu đồng nhưng tôi chưa bán. Nếu nuôi thêm một tháng nữa, giá không dưới 90 triệu đồng vì thị trường đang có nhu cầu rất lớn”.

Thời gian tới, anh sẽ nuôi thêm vài chục con trâu để đáp ứng nhu cầu trâu thịt ngày càng lớn của các lò giết mổ ở Hà Nội. “Tôi sẽ đầu tư vốn mua chục hécta đất đồi ở Hoà Bình, cải tạo thành đồi cỏ rồi di chuyển đàn trâu lên đó nuôi”, Thái quả quyết khẳng định.