Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang nuôi vịt, gà, cá, trang trại rộng 4760 m2 của ông Nguyễn Văn Ngọc - hội viên nông dân thôn Văn Bòng - xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cho thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm.
Trước đây, cũng như bao gia đình thuần nông khác, thu nhập của gia đình ông Ngọc cũng chỉ trông vào chủ yếu từ mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Những câu hỏi tại sao mình làm mãi vẫn nghèo? Cần phải làm gì để thoát nghèo? Phải làm thực hiện như thế nào, ra làm sao? Luôn là những câu hỏi luôn đau đáu trong ông. Với mong muốn thoát nghèo nhưng lực bất tòng tâm, vốn liếng không có lại cộng thêm mấy miệng con ăn theo, tính toán kinh tế kiểu gì cũng chỉ là một vòng tròn luẩn quẩn.
Năm 2005, sẵn có tư duy thay đổi thoát nghèo lại có chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước chuyển đổi cơ cấu sản xuất soi đường. Ông đã mạnh dạn quy đổi 13 mảnh ruộng nhỏ của gia đình với các hộ khác để quy tụ về 1 mảnh chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình vịt, cá. Ông chia sẻ: "Nhờ có chủ trương đường lối của Đảng nên hộ nghèo vay vốn cũng dễ dàng hơn. Tôi đã vay mượn tiền để thuê nhân công đào đắp bao quanh ao để xây dựng mô hình vịt, cá". Tiếp thu kiến thức về KHKT qua các lớp tập huấn của Hội Nông dân, học qua sách báo, tivi từ đó áp dụng trên mô hình thủy sản của mình đã cho ông những kết quả khả quan và ngày một hiệu quả. Đến năm 2007, nhờ tích được vốn từ mô hình lúa cá ông đã mở rộng trồng trại chăn nuôi và kiên cố hóa bê tông hệ thống bờ ao. Chuyển hẳn mô hình lúa cá sang mô hình nuôi cá ao đặc sản như cá trắm đen, cá chuối....
Ảnh: Trang trại lúc thu hoạch cá
Hiện nay, mỗi năm từ trang trại ông thu về hơn 300 triệu đồng từ các nguồn cá, gà, vịt và lợn. Chia sẻ về cách thức làm giàu của mình, ông Ngọc cho biết: "Làm gì cũng phải kiên trì, các loại cá, lợn vịt không khó nuôi nhưng nếu không áp dụng khoa học kỹ thuật vào thì khi xảy ra dịch bệnh dễ bị mất trắng. Để đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh và có hiệu quả tốt sau mỗi vụ nuôi, cần chú trọng khâu cải tạo và khử trùng ao cũng như chuồng trại".
Không chỉ khắc phục khó khăn, cố gắng vươn lên thoát nghèo và làm giàu ông Ngọc còn là người tương thân tương ái. Ông thường xuyên giúp đỡ từ 25 - 30 hội viên nông dân mỗi năm về giống và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, ông còn hỗ trợ giống vốn cho 3 - 4 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế ổn định thông qua việc bao tiêu sản phẩm và vay vốn không lãi với số tiền 180 triệu đồng.
Nhờ những đóng góp với lợi ích của công đồng, ông Ngọc được bình chọn là hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt năm 2014, ông Ngọc vinh dự được Ủy Ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen là 1 trong 143 điển hình sản xuất kinh danh giỏi của tỉnh./.