00:00 Số lượt truy cập: 3065879

Ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành chế biến 

Được đăng : 03/11/2016
Việt Nam sẽ xây dựng và phát triển mạnh công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp chế biến để sản xuất các sản phẩm chế biến thực phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.





Đây là một trong những nội dung chính của Quyết định về việc phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25-1.

Theo Quyết định này, mục tiêu đến năm 2010 phải nghiên cứu tạo ra các công nghệ sinh học tiên tiến ở trong nước, sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm enzym (kể cả enzym tái tổ hợp), các chế phẩm vi sinh, các hoạt chất sinh học đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến.

Xây dựng và phát triển mạnh công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực công nghiệp chế biến để sản xuất quy mô công nghiệp các sản phẩm chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Được biết, tổng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện nội dung của Đề án trong giai đoạn đến năm 2015 dự kiến khoảng 500 tỷ đồng (mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng) được chi cho các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; Dự án P (nghiên cứu triển khai sản xuất thử nghiệm sản phẩm) được hưởng mức thu hồi là 60% tổng kinh phí của dự án.

Giai đoạn 2011-2015, sẽ ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; tiếp cận, làm chủ và phát triển nhanh công nghệ sinh học hiện đại để tạo ra các chủng vi sinh vật mới có chất lượng tốt, hiệu suất lên men cao và ổn định trong sản xuất ở quy mô công nghiệp; sản xuất được các enzym tái tổ hợp.

Phát triển mạnh và bền vững ngành công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực công nghiệp chế biến, tạo lập thị trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sẽ đóng góp từ 20-25% tổng số đóng góp của khoa học và công nghệ vào giá trị gia tăng của ngành công nghệ chế biến, đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt hơn 40%.

Các nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ...tập trung vào công nghệ vi sinh (lên men vi sinh để sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất thử nghiệm sản phẩm ở quy mô công nghiệp các chế phẩm vi sinh) và công nghệ enzym và protein (tạo ra các loại thực phẩm bảo đảm chất lượng, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại để sản xuất thử nghiệm một số enzym tái tổ hợp phục vụ công nghiệp chế biến).

Hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Theo đó, sẽ thành lập và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tăng cường đầu tư vào các hoạt động tiếp nhận và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến, ứng dụng rộng rãi có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến tạo ra, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Xây dựng tiềm lực phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến cả về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật. Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến.