Ứng dụng khoa học phát triển vùng Bắc Trung Bộ
Được đăng : 03/11/2016
Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là để phát triển kinh tế - xã hội cho từng vùng, miền trong cả nước, nhất là những địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Việc thành lập Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ cũng nhằm mục đích nói trên.
Thực tiễn cho thấy, những kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Viện trong thời gian qua đã đạt những kết quả rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò của một viện nghiên cứu khoa học trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bắc Trung Bộ (BTB) là một trong bảy vùng kinh tế nông nghiệp của cả nước, gồm sáu tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Nhiều năm qua, Chính phủ có những chính sách đầu tư, kể cả khoa học - công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ven biển Trung Bộ nói chung và BTB nói riêng. Do vậy giai đoạn từ năm 1991 đến 2002, kinh tế BTB tăng trưởng ở mức khá, đạt 8,4%/năm; ngành nông - lâm - thủy sản tăng 5,29%/năm, cùng kỳ, cơ cấu kinh tế vùng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông nghiệp cả năm giảm 14,3% (trung bình mỗi năm giảm 1,3%).
Tuy nhiên, đến nay BTB vẫn là vùng kinh tế còn nhiều khó khăn. GDP bình quân đầu người chỉ đạt 3,5 triệu đồng/người/năm 2002, bằng 52% mức trung bình cả nước. Trong cơ cấu kinh tế của vùng, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn (37,8%). Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm, giá trị sản phẩm tính trên một ha canh tác còn thấp, chỉ đạt trung bình 15 - 17 triệu đồng/ha. Lao động nông thôn thiếu việc làm, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Trong nhiều giải pháp, khoa học - công nghệ phải được đặt lên hàng đầu, là động lực chính để giải quyết những vấn đề nêu trên. Ðặc biệt, hiện nay Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong xu thế hội nhập, chúng ta đã bình đẳng với sân chơi quốc tế, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao, giá thành hạ. Những thách thức này, ngoài việc đẩy mạnh quản lý, thì khoa học - công nghệ đóng vai trò quan trọng nhằm đáp ứng một phần đòi hỏi cấp bách nói trên. Theo định hướng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp BTB (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam trước đây) và Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ (thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả). Viện có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ về cây trồng, hệ thống nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng BTB. Xây dựng chương trình, dự án, kế hoạch nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ công nghiệp ngắn hạn và dài hạn, năm năm và hằng năm, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng BTB, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trong các điều kiện sinh thái vùng BTB. Liên kết, hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn, dịch vụ khoa học - công nghệ và sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực nghiên cứu của viện với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Những năm qua, nhất là năm 2006, Viện chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp được bà con nông dân tiếp thu và nhanh chóng mở rộng. Ðáng chú ý là Viện xác định được bộ giống cây trồng cho năng suất chất lượng cao cho vùng BTB, bao gồm các giống lúa, ngô, khoai sắn và đậu đỗ... Viện triển khai nghiên cứu thành công đề tài: "Nghiên cứu phục hồi và phát triển cam đặc sản Xã Ðoài ở vùng nguyên sản". Kết quả nghiên cứu đề tài mở ra triển vọng, từ năm 2007, hằng năm có thể vi ghép 15 - 20 nghìn cây cam Xã Ðoài đầu dòng sạch bệnh theo quy trình công nghệ cao, phục vụ sản xuất cam Xã Ðoài cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Nhằm nhân nhanh bằng phương pháp vi ghép các giống cam, quýt và cây có múi khác, Viện tiến hành nghiên cứu các tổ hợp lai gốc ghép. Qua nhiều năm nghiên cứu đã xác định được hai loại gốc ghép thích hợp cho cam và quýt trồng phổ biến hiện nay. Viện còn nghiên cứu chọn tạo được hai bộ giống dứa cayen, hai giống cà-phê chè, ba giống cao-su năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích nghi với vùng sinh thái BTB. Nhiều quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ của viện cũng đã được chuyển giao một cách hiệu quả cho bà con nông dân trong vùng.
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp BTB đang đứng trước những vận hội và thách thức mới do tốc độ phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học diễn ra rất sôi động trên phạm vi toàn cầu. Ðể vươn lên ngang tầm với những đòi hỏi của công cuộc CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn; nhất là vùng BTB, viện xác định các hướng nghiên cứu và triển khai khoa học - công nghệ cho giai đoạn 2006 - 2010, góp phần giải quyết những yêu cầu bức xúc trong nông nghiệp của vùng. Ðó là nghiên cứu tạo ra những giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao nhằm bảo đảm an ninh lương thực của vùng và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, tăng thu nhập cho người nông dân. Phát huy tiềm năng đất đai và nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng, đặc biệt là các loại cây, con đặc sản có giá trị kinh tế cao của vùng như bưởi Phúc Trạch, cam Xã Ðoài, bưởi Thanh Trà, cam bù Hương Sơn, lạc, vừng và một số loại lâm sản quý của vùng BTB. Nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông, lâm và nuôi kết hợp theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao hiệu quả kinh tế đất trên cây trồng. Tăng cường nghiên cứu sinh thái nông nghiệp, mở rộng các mô hình kinh tế trang trại theo hướng bền vững, khai thác và bảo vệ môi trường. Trong chiến lược lâu dài, song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới nhanh trang thiết bị hiện đại, viện quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, am hiểu về thực tế, có khả năng giải quyết những vấn đề mà thực tiễn sản xuất yêu cầu. Ðồng thời, tiếp cận và từng bước đi thẳng vào các lĩnh vực cao của công nghệ sinh học như công nghệ gien, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh... Ðể đạt yêu cầu trên, viện đề ra cơ chế chính sách mới vận hành theo cơ chế thị trường để các nhà khoa học phát huy hết khả năng sáng tạo trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, coi trọng nhân tố con người, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn và cán bộ trẻ có năng lực. Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, tranh thủ các nguồn đầu tư kinh phí, trang thiết bị máy móc, trao đổi chuyên gia kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý, học tập kinh nghiệm để sớm bắt nhịp với trình độ chung trong khu vực và thế giới.
NHỮNG kết quả triển khai nghiên cứu khoa học - công nghệ, những tiến bộ kỹ thuật đang được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng và ở Việt Nam nói chung từng bước khẳng định viện là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.