00:00 Số lượt truy cập: 3082469

VAC và vấn đề an ninh lương thực 

Được đăng : 03/11/2016
Người ta vẫn cho rằng, muốn đảm bảo an ninh lương thực thì nhất thiết phải giữ ổn định đất lúa. Điều đó không sai nhưng đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa không có đủ điều kiện thuận lợi để trồng lúa thì phải làm thế nào?

Mô hình VAC là sự lựa chọn tối ưu cho những vùng đất đồi, miền núi.

Trong hoàn cảnh đó, mô hình VAC là một lựa chọn hợp lý, không chỉ góp phần khai thác tốt tiềm năng đất đai, phủ xanh đất trống đồi trọc mà còn là cách tăng thu nhập cho nông dân, giúp bà con xoá đói giảm nghèo.

Cách đây vài chục năm, người dân vùng đồi Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn chìm trong đói nghèo bởi chẳng có loại cây nào sống nổi trên những quả đồi khô cằn sỏi đá, điều kiện đất đai lại không thích hợp cho việc trồng lúa. Thế rồi cây vải đã đứng chân được trên đất này, tạo ra một cuộc hồi sinh, giúp người dân không chỉ xoá nghèo mà còn vươn lên trở thành những triệu phú, tỷ phú. Mô hình kinh tế VAC với cây chủ lực là vải, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và đào ao thả cá được nhiều hội viên Hội Làm vườn (HLV) Lục Ngạn thực hiện đã tạo ra dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dù trải qua nhiều thăng trầm, có lúc được mùa, mất giá nhưng cây vải và mô hình VAC vẫn là sự lựa chọn phù hợp cho vùng đất đồi Lục Ngạn.

Xã Bình Dương (Gia Bình - Bắc Ninh) từng được mệnh danh là vùng “chiêm khê mùa thối”. Trong điều kiện tự nhiên “chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn” như vậy, tất nhiên việc sản xuất lúa gặp phải nhiều khó khăn. Đã có một thời gian dài, người Bình Dương chỉ biết xoay xở với một vụ lúa năng suất bấp bênh, đói nghèo luôn đeo bám. Thế rồi những người tiên phong như ông Nguyễn Duy Kiếm quyết làm cuộc đổi đời, chuyển diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại. Nhờ đó, vùng đất khó nghèo năm nào đã thay da đổi thịt, Bình Dương trở thành điểm sáng trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi của huyện và tỉnh với hàng chục trang trại lớn nhỏ. Nơi “đóng quân” của các chủ trang trại - cũng là hội viên HLV được gọi là “phố trên đồng” bởi sự náo nhiệt, giàu có của nó.

Ở dải đất miền Trung, nơi chỉ có gió Lào và cát trắng, mô hình VAC vẫn có thể hình thành và phát triển bền vững, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt môi trường sinh thái. Mô hình VAC trên cát được HLV các tỉnh Bình Thuận, Bình Định thực hiện đã giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực và góp phần cải tạo đất. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, các hội viên nghĩ ra cách đào ao tích trữ nước ngay trên đồi cát, dưới đáy hồ trải bạt để chống thẩm thấu, kết hợp thả cá. Xung quanh trồng các loại cây công nghiệp, cây lương thực hoặc cây ăn quả có khả năng chịu hạn tốt. Từ hiệu quả và tính khả thi của mô hình, đến nay, nhiều địa phương đã áp dụng cách làm này. Đơn cử như tại Bình Thuân, nếu như năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 4 hộ tham gia với diện tích 4ha ở xã Hồng Phong (Bắc Bình) thì đến thời điểm cuối năm 2008, tỉnh Hội đã xây dựng được 24 mô hình, 11 hồ trữ nước, tổng diện tích trên 8ha.

Như vậy, có thể thấy có nhiều cách để đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân mà không nhất thiết chỉ dựa vào trồng lúa.

Sau bao nhiêu năm hình thành và phát triển, mô hình kinh tế VAC của HLV đã góp phần mang lại sức sống mới cho nhiều vùng quê vốn chỉ độc canh cây lúa. Từ khi HLV phát động phong trào phát triển kinh tế VAC, dường như mỗi người đều nhìn nhận về kinh tế vườn theo một cách khác, VAC không đơn giản chỉ để làm “xanh” hơn cho bữa ăn gia đình mà còn tạo ra nguồn thu đáng kể. Phong trào cải tạo vườn tạp – ao hoang – chuồng trống được dấy lên một cách mạnh mẽ, nhờ đó, hàng triệu hecta đất và mặt nước hoang hoá được cải tạo làm VAC, nuôi trồng thuỷ – hải sản. Những vùng chuyên canh được hình thành; thu nhập từ VAC chiếm 50% trở lên trong tổng thu nhập từ nông nghiệp (có nơi chiếm 70 – 80%). Trong những năm qua, đã có hàng nghìn trang trại của hội viên HLV ra đời. Do thu nhập từ VAC tăng nhanh, bà con nông dân đã tích cực dồn điền đổi thửa, thuê mượn thêm đất, khai khẩn đồi trọc ruộng trũng để phát triển kinh tế VAC. Bình quân trong 5 năm qua, diện tích vườn mới trồng và cải tạo vườn tạp ở một tỉnh là 10.905ha, diện tích ao hồ cải tạo và ao mới được xây dựng để nuôi trồng thuỷ sản là 4.811ha.

VAC đã thực sự là mô hình của mọi nhà, là nhân tố quan trọng trong quá trình xoá đói giảm nghèo. Và khi thu nhập của người dân được cải thiện có nghĩa là vấn đề an ninh lương thực được đảm bảo.