00:00 Số lượt truy cập: 2995613

Vải thiều bị ép giá 

Được đăng : 03/11/2016

Kịch bản “được mùa mất giá” được lặp lại khi giá vải thiều trong mấy ngày qua đã có lúc xuống thấp kỷ lục: 400 đồng/kg vải sớm, 1.000-1.500 đồng/kg vải thiều chính vụ! Đối với người dân trồng vải, đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua.


Giá rẻ như cho

Từ sáng sớm, anh Trần Văn Tạy, xã Tân Mộc, đã có mặt tại thị trấn Chũ huyện Lục Ngạn để bán vải… Anh Tạy cứ đi lòng vòng hết điểm cân này sang điểm cân khác suốt cả tiếng đồng hồ mà không chịu bán vì những người thu mua trả quá rẻ. Có chỗ chỉ trả anh 250 đồng/ kg.

Lòng vòng mãi, cuối cùng anh cũng bán được xe vải của mình với giá 400 đồng/kg cho một điểm cân dù ở điểm cân này, một tạ cũng chỉ còn 94 kg! Mồ hôi nhễ nhại lưng áo, cầm hơn ba chục nghìn, anh Tạy đi vào quán nước và thở dài nói với tôi: “May mà không phải thuê người hái, chứ không thì tiền bán vải không đủ trả công họ! Mấy chục này cũng đủ uống vài cốc bia và có tiền đổ xăng để về!”.

Anh cho rằng mình cũng còn may mắn là đã bán được vải. Anh kể, trước đó ít phút có anh thanh niên cũng mang vải đến điểm cân vì bị trả rẻ quá, lại thiếu tới mấy chục cân nên ức quá cứ cầm cả túm vải mà đập, rồi đi về không… Phía anh chỉ tay thấy đầy quả vải nát và những cuống vải nằm trơ bên đường…

Ông Vũ Đức Bảo, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn nói: “Năm nào được mùa là năm đó lo lắng nhất! Vải sớm bán tươi bây giờ giá rất rẻ nhưng không bán thì cũng không sấy được, chẳng lẽ lại đổ đi!?”.

Nông dân bị ép giá

Ông Thân Văn Mưu - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết, cách đây hơn 10 ngày ông cùng đoàn công tác vào TPHCM có mua vải thiều tại Bắc Giang để mang vào làm quà, giá là 18 nghìn đồng/kg. Vào tới TPHCM hỏi mua thêm vải, giá đã đội lên tới 42 nghìn đồng/kg.

Ngay tại thời điểm này, khi giá tại các điểm cân ở huyện Lục Ngạn xuống thấp tới mức kỷ lục là 400 đồng/kg vải sớm, 1.000 đồng/kg vải thiều chính vụ thì tại Hà Nội, người tiêu dùng vẫn phải mua vải thiều với giá từ 5.000 - 8.000 đồng, tại TPHCM giá phổ biến từ 8.000-12.000đồng/kg. Như vậy, giá người nông dân bán ra và giá người tiêu dùng mua gấp tới hàng chục lần.

Lý giải điều này, tư thương ở các điểm cân và chủ xe đường dài đều cho rằng chi phí bảo quản, vận chuyển quá cao“. Mỗi cân vải từ Bắc Giang mang vào TP Hồ Chí Minh phải mất 2000 đồng tiền vận chuyển, bảo quản. Lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Hà Khẩu (Lào Cai) cũng phải chi phí vận chuyển khoảng 1000 đồng/kg” - Anh Long, một tư thương cho biết.

Phát biểu tại hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2007 tổ chức hôm 7-6, ông Thân Văn Mưu - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng: “Chúng ta đang bị tư thương Trung Quốc ép giá vì mang vải đi bán nhưng họ cứ đồng loạt không mua, hoặc mua giá thấp!”.

Để tránh tình trạng ép cấp, ép giá ở cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, ông Mưu cho rằng nông dân cần tự sáp lưng, liên kết lại thông qua việc thành lập các nhóm, HTX và lớn hơn nữa là Hiệp hội tiêu thụ vải thiều để có thể sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng chính ngạch.

Muốn làm được điều này, cần tuyên truyền, phân tích thế nào đó để bà con nông dân thấy rằng như vậy có lợi hơn. Về lâu dài, phải nghĩ đến chuyện rải vụ cho cây vải và sản xuất được những giống vải có chất lượng tốt hơn nữa.