00:00 Số lượt truy cập: 3042816

Vẫy vùng theo con cá tầm 

Được đăng : 03/11/2016

Hồ nước thẫm lạnh giữa bao bọc núi rừng. Bơi ra giữa dòng nước, chuẩn bị lặn xuống lòng lồng, Nguyễn Hữu Tuấn - 25 tuổi, kỹ sư thủy sản, từ Đô Lương, Nghệ An đến đây - hả hê nói như hét vào không gian hoang dã: “Sờ được loài cá này đã là hạnh phúc!”...


Kỹ sư Tuấn và một con cá tầm - Ảnh: N.H.T.

Quẫy vật một hồi mới ôm gọn được một chú cá có vây tia, da trơn, dài cả thước, nặng chừng 15kg. Tuấn bảo: “Cá tầm đấy. Nó có thể dài từ 2-5m, trọng lượng có thể đạt 500kg...”.

Tiếng gọi cá tầm

Tuấn có mặt giữa rừng núi này, nơi lòng hồ thủy điện Đạ Mi (vùng giáp ranh giữa Lâm Đồng với Bình Thuận, thuộc địa phận xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận), để hiểu, để chinh phục cá tầm.

Trước ngày Tuấn vào đây để nuôi cá thuê, Viện Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản I đã tiếp nhận anh vào làm việc ở phía Bắc, nhưng anh từ chối để đi theo cá tầm. Anh nói các loài thủy sản như cá tra, cá ba sa, cá mú, lươn, chình, vẹm xanh, ba ba, cua, ghẹ... không làm anh thích thú, anh chỉ thích những điều mới mẻ.

Cùng với Tuấn có thêm anh chàng kỹ sư thủy sản Vũ Tiến Lộc. Lộc đã nhiều năm chinh chiến với hoạt động nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long. Khi nghe nói giữa rừng Đạ Mi có người đang “bày trò” nuôi cá tầm, vậy là bỏ tất cả, nhảy xe đò lên Bảo Lộc. Hay như anh chàng Đinh Trọng Hải, 25 tuổi, gia đình có những trang trại cà phê bề thế ở Lâm Hà, Lâm Đồng, mê biển chọn Đại học Thủy sản Nha Trang. Học xong, đầu quân cho một công ty nuôi cá chẽm (cá nước mặn) của Mỹ ở Khánh Hòa đang rất suôn sẻ, vậy mà vì máu mê cá tầm đã bỏ biển để quay lại núi.

Và còn nhiều chàng trai mơ mộng “khác người” nữa, mê cá tầm say đắm. “Một nghề nghiệp… không đụng hàng!”, đêm sương, giữa lòng hồ cô quạnh Đạ Mi, trên chiếc bè nổi bập bềnh, họ nói về nghề của mình.

Mở ra câu chuyện tương lai

Trước đó, lồng nuôi cá tầm thương mại đầu tiên ở VN được nuôi trên vùng hồ Tuyền Lâm của TP Đà Lạt. Nhưng sau đó, do dự án 34 khu nghỉ dưỡng được xây dựng nơi đây nên việc nuôi cá tầm phải di chuyển đi nơi khác dù sau một thời gian nuôi thử đã thành công.

Không ở được Đà Lạt thì đành xài tạm hồ Đạ Mi, một nơi chuyển tiếp giữa cao nguyên với miền duyên hải Bình Thuận, bởi hồ này có đáy sâu, độ lạnh cao. “Thả lồng chìm sâu hơn xuống lòng nước để đạt độ lạnh cá tầm chấp nhận... sống, sâu hơn khi thả ở Đà Lạt ít nhất 2-3m nước” - Đinh Trọng Hải cho biết.

Hải tự hào cho rằng hành trình khảo nuôi cá tầm ở VN của các anh gọi đúng tên là quá trình “thuần hóa” nhọc nhằn loài cá này. Bao triệu năm nó tồn tại ở nước Nga, từ vùng Siberia hoang lạnh rồi cũng phải thuần phục xứ sở nhiệt đới như VN.

Nói chuyện về cá tầm, những chàng nuôi cá này cứ say sưa như… ma nhập. Có người vỗ vào đầu như thể phát hiện ra điều vĩ đại: “Con cá tầm ở đây (hồ Đạ Mi) đã bị địa phương hóa mất rồi. Nó dứt khoát là cá tầm Đạ Mi, không phải cá tầm vùng Baikal, Shakhali, Đại Tây Dương, hay Nhật Bản, Dương Tử..., dù nó được cho nở ra từ trứng cá tầm bên Nga”.

Ban ngày, những chàng trai này vẫy vùng trong nước hồ sâu, đo nhiệt độ dưới nước, tình hình môi trường, dưỡng khí trong nước, khám bệnh cho cá, điều chỉnh khẩu phần ăn, đến rửa lồng lưới, ghép bè, đóng nhà nổi, cầu phao... 28 lồng cá khổng lồ, với trên 23.000 con, ước tổng trọng lượng đến 90 tấn cá, thế mà họ khẳng định ai cũng thuộc, đếm được đến từng con cá tầm ngày đêm lượn lờ bên dưới. Những lồng cá thả dưới hồ sâu giữa rừng, nhưng ban đêm họ vẫn tuân thủ triệt để khâu an ninh: chia ca ngồi nhìn ra bè, không được ngủ gật, cầm đèn đi tuần tra cứ thế cho đến khi ánh mặt trời ló dạng.

Cá tầm rất quý, con khoảng 3kg hiện có giá trên 1 triệu đồng, nhưng không phải muốn mua là có. Kế hoạch của công ty chủ quản - Công ty cổ phần cá tầm long Đạ Mi và Công ty Cá tầm VN - vạch ra là nay mai sẽ phát triển lên 1.000 lồng cá nuôi trên hồ Đạ Mi này.

Nuôi cá tầm giữa lòng hồ Đạ Mi - Ảnh: N.H.T.

Cá tầm và lòng hồ thủy điện

Từ thành công khi nuôi cá tầm ở lòng hồ Đạ Mi, những chàng chăn cá thuê mới phát hiện các hồ thủy điện ở VN quý báu vô cùng với nghề nuôi thủy sản cao cấp.

“Lý lịch” con cá tầm

Cá tầm đang nuôi ở Đạ Mi có tên khoa học là Acipenser gueldenstaedtii. Nuôi sau 6-9 tháng, những con cá này đạt trọng lượng 3-5kg. Khi đạt trọng lượng trên 3kg đã có thể xuất thương phẩm, hiện có bán ở TP.HCM và Hà Nội.

Thịt cá tầm dai, có vị thơm ngon riêng biệt, không giống bất cứ loài thủy sinh nào. Cá tầm ở hồ Đạ Mi, theo kết quả phân tích của Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, có chứa cả DHA (với lượng 0,45gr/100gr thịt). Ở VN, cá tầm có thể chế biến các món: xông khói, làm gỏi, xào cay, nướng xốt Teriyaki, lẩu, chiên...

Ở Nga, cá tầm cái đến 11-13 tuổi mới đẻ, con đực được xác định tuổi trưởng thành từ năm thứ 12-16.

Cá tầm được đưa vào VN lần đầu tiên bởi Viện Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản I (phía Bắc) vào năm 2005, ngay sau đó vùng Lâm Đồng được Công ty Cá tầm VN rồi Công ty cổ phần cá tầm long Đạ Mi chọn ngay để phát triển, nuôi hàng hóa. Hiện cá tầm con nuôi ở VN được cho ấp nở ở Lâm Đồng từ nguồn trứng giống nhập từ Nga.