Cà chua sạch theo tiêu chuẩn VietGap được gieo trồng đại trà tại làng nghề trồng rau Văn Phú - Ảnh: QC.

Rau sạch đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây, đảm bảo lợi ích sức khỏe cộng đồng, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. 

Văn Phú là làng trồng rau truyền thống có từ rất lâu đời ở xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Theo thống kê của địa phương, tổng số hộ tham gia sản xuất rau là 750 hộ, với tổng diện tích gieo trồng trên 20ha, trong đó có hơn 100 hộ nằm trong dự án là rau an toàn VietGap với diện tích là 12 ha. Điều kiện đất đai và thổ nhưỡng của địa phương khá phù hợp cho các loại cây rau màu như: Rau ăn lá, rau lấy củ quả : su hào, súp lơ, cà chua...  Vì vậy, sản lượng hàng năm của làng đạt 400 tấn rau, củ, quả các loại, doanh thu đạt 54 tỷ đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu – một hộ trồng rau ở Văn Phú, chia sẻ: “Sản phẩm rau ở đây khi tham gia sản xuất theo quy trình VietGap đều bảo đảm tuyệt đối an toàn về các chỉ số. Thêm nữa, nghề trồng rau màu là nghề truyền thống lâu năm của chúng tôi nên kinh nghiệm canh tác cũng được tích lũy đáng kể, cây rau củ phát triển chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên”.

Được biết, hàng năm, diện tích rau nằm trong dự án VietGap của địa phương đều được Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam thường xuyên tiến hành kiểm tra. Hệ thống kênh mương nội đồng ở đây cũng hết sức thuận lợi cho việc canh tác, nên sản phẩm rau ở Văn Phú không những được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh mà còn được đưa sang tiêu thụ ở các tỉnh lân cận, như: Lạng Sơn, Yên Bái và đáp ứng được nhu cầu rau sạch, VSATTP cho khách hàng.

Ông Phạm Văn Sinh - phụ trách làng rau sạch Văn Phú niềm nở cho biết: Sản phẩm rau của chúng tôi đều tuyệt đối an toàn, được Tổng cục  đo lường chất lượng Việt Nam thường xuyên kiểm tra. Hệ thống nước sạch thuận lợi cho việc canh tác. Qui trình sản xuất sạch chặt chẽ, chưa từng xảy ra sự cố nào về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm rau được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái... Tuy nhiên, làng rau còn hoạt động manh mún, chủ yếu làm theo hộ, theo tập quán canh tác chưa có kế hoạch sản xuất để tạo thành một chuỗi cung ứng khép kín, đáp ứng đầy đủ số lượng cùng chất lượng.

Cánh đồng rau ở làng Văn Phú, xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ - Ảnh: QC.

Cùng quan điểm với ông Sinh, ông Nguyễn Đức Trường - Phó Chủ tịch xã, Trưởng Ban chỉ đạo nông nghiệp Hợp tác xã  Sai Nga  cho biết: "Thời gian tới, để nhân rộng phát triển vùng sản xuất rau sạch VietGap của địa phương thì cần phải thay đổi cách làm truyền thống, phát huy vai trò trong điều hành sản xuất với đơn vị phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn đjnh cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng rau, củ, đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho cộng đồng. Trong tương lai không xa, chúng tôi cũng mong muốn thành lập hợp tác xã để chỉ đạo và hướng dẫn các hộ trồng rau. Đây là một mô hình hoạt động giúp duy trì và phát triển làng nghề, định hướng cho người dân nên canh tác loại rau gì, thời vụ ra sao cùng việc chú trọng nâng cao chất lượng rau... để phù hợp với thị trường đầu ra. Nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn làm sao để có thêm nguồn kinh phí duy trì tổ hợp tác xã mang tính lợi ích cho cộng đồng này.”

Về hiệu quả của nghề trồng rau sạch ở làng Văn Phú, ông Trường khẳng định: Nhờ nghề trồng rau truyền thống, đặc biệt từ khi địa phương chú trọng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap, nhiều hộ làm nghề ở Văn Phú đã xóa đói giảm nghèo, cải thiện được thu nhập và vươn lên làm giàu.

 Với việc được công nhận làng nghề truyền thống năm 2013, làng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap năm 2015 và sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong  định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp địa phương, đặc biệt là từ chính ý thức của người làm nghề là bệ phóng cho thương hiệu rau an toàn Văn Phú chinh phục được niềm tin của đông đảo người tiêu dùng trong thời gian tới và có chỗ đứng vững trên thị trường./.

Trần Chiến – Xuân Nguyễn