Những ngày này, đứng giữa ngã tư thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cảnh tắc đường không kém gì điểm nút giao thông Hà Nội, xe tải, xe thồ, người và vải đan nhau.
Không chỉ vải thu hoạch ở Lục Ngạn mà những dòng xe đi ngược từ Lục Nam, từ quê khác đến Lục Ngạn để bán với giá của thương hiệu vải “Lục Ngạn”. Lục Ngạn là huyện có diện tích trồng vải lớn nhất tỉnh Bắc Giang với 18,5 nghìn ha, có xã diện tích đến 6.000 ha như xã Quý Sơn. Theo ông Phạm Đức Khoái, Chánh văn phòng Sở NN- PTNT Bắc Giang, năm nay sản lượng chỉ đạt non nửa năm ngoái, ước tỉnh khoảng 70-80 nghìn tấn.
Đầu vụ thu hoạch nhiều nông dân đã hồi hộp hy vọng giá năm nay chắc sẽ tăng gấp đôi bù vào lượng vải mất mùa. Nhưng mọi việc không như vậy, mất mùa nhưng thị trường vẫn chao đảo, giá vẫn lên xuống thất thường bởi những tiểu xảo do cánh thương lái tạo dựng. Dân thì vẫn theo quy luật số đông, một người bán được giá khi chợ chiều hết hàng thì đồng loạt nhà nhà về hái mang ra chợ khiến hôm sau giá lại rớt dài. Chỉ có mùa vải sớm của huyện Tân Yên, bán được 13.000-15.000đ/kg, nhưng cũng chỉ trong vòng tuần lễ. Bây giờ mùa thu vải Lục Ngạn đang ở đỉnh, giá có xu hướng giảm dần.
Chúng tôi vào Cty XNK thực phẩm Bắc Giang, nơi tiêu thụ lượng vải khá lớn để xuất và sản xuất các sản phẩm đông lạnh, đóng hộp. Bà Nguyễn Thị Nhỏ, Trưởng phòng thị trường của công ty là cộng tác viên cung cấp thông tin cho hệ thống thông tin thị trường thuộc dự án “Tăng cường công tác thông tin khuyến nông và thị trường tại 20 tỉnh và 100 huyện” do Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư.
Theo bà Nhỏ, vấn đề giá vải luôn phức tạp và bị chi phối chặt chẽ của thị trường. Điểm mạnh của người quản lý khi quyết định giá mua, giá bán, nơi mua là nhờ nắm bắt thông tin thị trường nhanh, chính xác và kịp thời. Trước đây, khi chưa có dịch vụ cung cấp thông tin từ dự án, công ty bà phải vất vả để đi khảo sát thị trường, phải điều xe đi, phải cử người tại các điểm thu mua để nắm thông tin.
Có khi biết giá, ra được quyết định mua thì lô hàng đó lại bị bán mất rồi. Còn bây giờ ngoài việc vào mạng để tra thông tin thì bà sử dụng dịch vụ nhắn tin SMS của dự án. Tại công ty, bà chỉ cho chúng tôi từ màn hình của điện thoại di động giá vải ngày 17/6/2009 tại Lào Cai là 15.000đ/kg, tại Vĩnh Long là 16.000đ/kg, còn vải Lục Ngạn ở Hưng Yên chỉ có 3.500đ/kg bán buôn. Vậy là bài toán mua vải nguyên liệu từ Hưng Yên sẽ được giải quyết thật nhanh và thuận lợi.
Đó là công ty, còn nông dân thì thế nào? Tôi hỏi một chị mang vải đến điểm thu mua rằng trước khi đến đây chị có biết ngoài phố đang nhập vải giá bao nhiêu một cân không? “Không biết đâu, đến đây họ cân cho mình bao nhiêu thì được bấy nhiêu, chiều qua được 9.500đ/kg, sáng sớm ra chuyến đầu được 9.000đ còn bây giờ chỉ có 8.000đ/kg”.
Tôi đưa chị xem thông tin từ điện thoại sau khi gửi tin nhắn: “NN VAI” rồi gửi đến số 8062, chỉ vài giây chị đã thấy ngay giá: Bắc Giang vải loại 1 từ 10.000-11.000đ/kg. Tôi hỏi chị giá 8.000đ/kg bây giờ có bán được không? Chị cười: “Hơi rẻ, nhưng cũng bán được vì chất lượng vải nhà em chỉ thế”. Chị hỏi tôi, nhắn một tin thế mất nhiều tiền không, tôi bảo chỉ có 500đ một tin thôi nếu chị dùng SIM Vietel. “Thế thì tốt quá, em sẽ làm ngay để đỡ mất tiền xăng đến đây khảo giá như ngày trước”, chị nói.
Việc nhắn tin lấy thông tin giá nông sản là dịch vụ rất tiện ích cho nông dân, cách làm đơn giản, giá rẻ. Nhưng vấn đề làm thế nào để thật nhiều người cũng biết để sử dụng dịch vụ này?