Tại Hội thảo Hướng tới Chương trình hành động của ngành NN-PTTN về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm nay (11/1) tại Hà Nội, nhiều đại biểu rất băn khoăn bởi không biết đâu là dự báo biến đổi khí hậu chính xác cho Việt Nam.
Nước ngập, nguy cơ mất 5 triệu tấn lúa
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, có hai điều chắc chắn sẽ xảy ra, đó là quá trình ấm lên của khí hậu toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực tới toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Nước ta sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng nhất, đặc biệt là với 72% người dân nông thôn có liên quan đến nông nghiệp và một bộ phận người nghèo. Hàng triệu người cũng phải di chuyển tránh ngập, gây xáo trộn và làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
Theo ước tính của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), nếu xác định nước biển dâng ở mức 1m, Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập 5.000km2 và ĐBSCL bị mất 15.000-20.000km2, mà đây là hai vựa lúa lớn nhất, tập trung đông dân cư nhất cả nước. Mất đất, sản lượng lương thực của Việt Nam sẽ giảm 12% (xấp xỉ 5 triệu tấn).
Một diện tích đất lớn khác ở hai đồng bằng trên bị nhiễm mặn, nếu tính gộp vào, số sản lượng lương thực bị giảm còn lớn gấp nhiều lần, tới hàng chục phần trăm.
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Việt Nam (Bộ NN-PTNT), cho rằng, bài toán lương thực sẽ là cực kỳ khó khăn trong khi đất lúa chỉ còn 4,2 triệu ha, và mỗi năm đang mất đi khoảng 102.000ha nữa (chủ yếu cho giao thông và công nghiệp). Mất khoảng 12-14% diện tích đất nữa do ngập nước, chủ yếu là đất trồng lúa sẽ mất thêm gần 5 triệu tấn thóc, coi như không có gạo xuất khẩu, vậy cần giải bài toán năng suất như thế nào?
Khi đó, Bộ NN-PTNT phải tính toán là mất bao nhiêu đất, diện tích đất còn lại nuôi được bao nhiêu người, với năng suất hiện nay.
Ban chỉ đạo về biến đổi khí hậu của Bộ NN-PTTN cho rằng, năng suất cây trồng cũng sụt giảm rõ rệt. Ví như, năng suất ngô sẽ giảm từ 5-20% nếu nhiệt độ tăng 1oC và giảm tới 60% nếu nhiệt độ tăng 4oC. Kết quả của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) cho thấy, năng suất lúa cũng giảm 10% đối với mỗi 1oC tăng lên. PGS.TS Nguyễn Văn Bộ nhận xét, rõ ràng trong lĩnh vực nông nghiệp, biến đổi khí hậu sẽ đe dọa 5 lĩnh vực: nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), lâm nghiệp, thủy lợi, thuỷ sản, nông thôn. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mà còn nó ảnh hưởng đến môi trường, làm thay đổi toàn bộ bối cảnh của cuộc sống con người. Khi diện tích bị thu hẹp, mật độ dân cư tăng đòi hỏi cần có sự thích ứng nhạy bén và chiến lược dài hạn.
Loay hoay xây dựng kịch bản đối phó
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ cho biết, khó khăn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam là "ngộp thở" trước quá nhiều thông tin về biến đổi khí hậu của thế giới, không biết dự báo nào là chính xác. Do vậy, chưa thể xây dựng được kịch bản điều chỉnh trong nông nghiệp. Việt Nam lại chưa đủ năng lực dự báo biến đổi khí hậu (về nhiệt độ tăng, băng tan...) vì thiếu một hệ thống quan trắc đủ lớn, hiện đại.
"Cần phải đề nghị với Chính phủ xác định một dự báo biến đổi khí hậu phù hợp (nên đặt trong tình huống xấu nhất, tức là mức ngập 1m) để Bộ NN-PTNT tính toán Việt Nam sẽ mất bao nhiêu diện tích nông nghiệp, lâm nghiệp; kèm theo đó là hạn hán như thế nào để vừa thích ứng với ngập, vừa thích ứng với hạn hán", ông Bộ kiến nghị.
Trong khi đó, Việt Nam cũng lại thiếu một nghiên cứu toàn diện về đánh giá tác động của khí hậu và các phương án thích ứng cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội dễ bị tổn thương nhất. Nhiều chuyên gia tiếc rằng, hoạt động này mới chỉ tập trung vào những điều kiện khắc nghiệt của khí hậu ngắn ngày hơn là phản ứng với biến đổi khí hậu tương lai. Do đó, dẫn tới chiến lược thích ứng cho những vùng, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất mới chỉ ở mức định tính, còn rất chung chung.
Theo ông Nguyễn Mộng Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu và Phát triển biền vững, cần có các giải pháp chi tiết để thấy rõ sự phân bố về không gian, thời gian của các yếu tố khí hậu đó tác động như thế nào đến cây trồng, sản lượng, năng suất, dịch bệnh... Khó nữa hiện nay là quan hệ giữa một bên sản xuất nông nghiệp với một bên là biến đổi khí hậu. Hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa có nhiều điều kiện để xâm nhập vào đó.
Ông Cường cho rằng, nghiên cứu về biến đổi khí hậu của Việt Nam là chậm. Trên 30 quốc gia nay đã có chương trình hành động về biến đổi khí hậu, Việt Nam nên học tập ở các hợp phần, nội dung của chương trình này, đặc biệt là quan điểm, tư duy tiếp cận về các vấn đề biến đổi khí hậu và tác động của nó tới nền kinh tế - xã hội.
Giải pháp cụ thể, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ đề xuất: thứ nhất, nông nghiệp cần có một cơ sở dữ liệu liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu: thứ hai, phải biết cụ thể việc trồng lúa nước hiện nay phát thải lượng khí nhà kính là bao nhiêu ở mỗi mùa vụ, mỗi vùng; thứ ba, lượng khí thải nhà kính cụ thể trong chế biến rác thải và phân hữu cơ chăn nuôi... Căn cứ vào đó, Bộ NN-PTNT sẽ hoạch định các kịch bản.
Hiện Bộ NN-PTNT đang bàn thảo hướng tới xây dựng Chương trình hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ngoài dự báo tác động, chương trình sẽ xác định các nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm của các cơ quan ban ngành cũng như nguồn vốn, đảm bảo cơ sở vững chắc để thực hiện. Chương trình dự kiến xong trước 30/6/2008.
Ông Christophe Bahuet, Phó Giám đốc Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cảnh báo, Việt Nam là một trong năm nước hàng đầu trong số các quốc gia trên thế giới bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển tăng 1m, 5% diện tích đất đai Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực. Nước ngập làm ảnh hưởng tới cuộc sống của 11% tổng dân số, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% GDP. Nếu mức ngập là 3-5m thì điều này đồng nghĩa với "có thể xảy ra thảm họa" ở Việt Nam. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và môi trường đưa ra 3 kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam về nhiệt độ tăng, lương mưa và nước biển dâng. Theo đó, mực nước biển dâng khoảng 5cm/thập kỷ và sẽ dâng 33-45cm vào các năm 2050 và 2070. Một dự báo nữa cứ 10 năm, mực nước biển tại Việt Nam sẽ dâng 5cm, lên 69cm (năm 2070), 100cm (2100). Nhiệt độ trung bình cũng tăng 1oC mỗi thập kỷ. Nắng nóng sẽ gay gắt hơn, đông về thì giá buốt. Tác động xấu của thời tiết làm các cơn bão có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam. Mưa phùn sẽ giảm rõ rệt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. |