Ngô biến đổi gen. |
PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa, Viện lúa Đồng Bằng sông Cửu Long cho biết, sau một thời gian thử nghiệm nghiên cứu tạo giống đậu tương biến đổi gen, thì các dòng biến đổi gen biểu hiện tính kháng sâu cao hơn giống không biến đổi gen. “Điều này mở ra triển vọng cho giống đậu tương biến đổi gen đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào sản xuất”, bà Hòa kỳ vọng. Tại hội thảo, các nhà khoa học đều đồng ý cây trồng biến đổi gen sẽ giúp Việt Nam giải quyết được bài toán về an ninh lương thực. Tuy nhiên, hiện nay việc nghiên cứu cây trồng biến đổi gen chỉ tập trung tại các viện, trường đại học mà chưa phát triển dưới dạng thương mại, do đó khi cây trồng biến đổi gen được xã hội chấp nhận thì công nghệ sinh học nông nghiệp Việt Nam khó có thể đáp ứng được nhu cầu giống cho người dân.
Điều mà đa số các chuyên gia quan tâm là: khi cây trồng biến đổi gen giúp Việt Nam giải quyết được an ninh lương thực nhưng lại phụ thuộc nguồn giống từ các công ty giống nước ngoài thì chẳng khác nào chúng ta lại phó thác an ninh lương thực của mình cho người khác quyết định.
Đến năm 2015, thế giới sẽ có khoảng 40 nước cho phép trồng cây biến đổi gen, diện tích lên đến 200 triệu héc ta. Các cây trồng biến đổi gen được trồng chủ yếu là bắp, đậu tương, bông vải, thuốc lá, cà tím, cà chua, đu đủ… |