00:00 Số lượt truy cập: 3071390

Vĩnh Long: ngành nông nghiệp chuyển động để hội nhập 

Được đăng : 03/11/2016
Vĩnh Long đang là tỉnh nông nghiệp và trong giai đoạn từ nay đến 2015, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ lực nên khi nước ta gia nhập WTO, tỉnh đang tập trung giúp nông dân thay đổi ngay tập quán canh tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh; không để các mặt hàng nông sản địa phương phải "thua" ngay trên sân nhà.



* Sản xuất còn nhỏ lẻ

Đa phần các mặt hàng nông sản của tỉnh Vĩnh Long (trái cây, thuỷ sản, lúa gạo, nấm rơm, khoai lang, rau sạch…) đều là sản phẩm thô vì nông dân còn đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng nguyên liệu tập trung, chưa chú trọng đúng mức đến sản xuất các mặt hàng này theo tiêu chuẩn GAP. Theo ông Lưu Quang Sang, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Minh, mặt hàng bưởi Năm Roi Bình Minh đã được nhiều khách hàng nước ngoài biết tiếng nhưng chỉ có từ 20 đến 30% sản lượng bưởi của huyện đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Khoai lang Bình Minh cũng đã có thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng tỷ lệ sản phẩm đủ chuẩn xuất khẩu còn rất khiêm tốn do nông dân chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, thu hoạch chưa đúng cách nên củ khoai còn bị bong tróc, trầy xước, phải để lại tiêu thụ nội địa.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp Vĩnh Long, chỉ tính riêng mặt hàng trái cây, năm nay Vĩnh Long đã tăng diện tích trồng lên gần 43.000 ha, sản lượng ước đạt 360.000 tấn, tăng trên 60.000 tấn so với năm 2005. Trong đó, có nhiều loại trái cây đặc sản ngon có tiếng, được người tiêu dùng trong ngoài nước biết đến và thời gian qua Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu cho bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, xoài Tứ Quý Ba Minh... Tuy nhiên, số lượng sản phẩm thương hiệu mạnh còn ít. Nguyên nhân chính là sản xuất trái cây ở Vĩnh Long còn manh mún, phân tán theo quy mô hộ gia đình, một số vùng chuyên canh đã hình thành nhưng chất lượng thiếu đồng nhất, thiếu ổn định, chưa tổ chức sản xuất kết hợp chặt với tiêu thụ. Hiện các mặt hàng nông sản của Vĩnh Long thiếu sự liên kết cả hệ thống từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ, xuất khẩu. Công nghệ sau thu hoạch ở tỉnh chưa theo kịp tốc độ phát triển của khu vực. Nông dân, doanh nghiệp tự tìm khách hàng, thiếu sự hỗ trợ, liên kết nên ít có được hợp đồng lớn. Mặt khác, tỉnh cũng chưa có vùng nguyên liệu lớn nên cũng không có khả năng cung ứng theo hợp đồng với số lượng lớn, trừ mặt hàng gạo, nên lợi thế cạnh tranh còn rất yếu.

* Giải pháp nâng cao lợi thế cạnh tranh

Trước xu thế hội nhập, để nâng cao lợi thế cạnh tranh các mặt hàng nông sản, tỉnh Vĩnh Long đang đẩy mạnh công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, sản xuất an toàn. Theo đó, tỉnh sẽ quy hoạch các vùng sản xuất cá tra, chăn nuôi gà an toàn sinh học, trái cây tập trung, sản xuất cây giống sạch bệnh, sản xuất lúa cao sản, vùng sản xuất chuyên canh màu… Đồng thời tỉnh sẽ điều chỉnh các vùng quy hoạch về thuỷ sản, thuỷ lợi, nông nghiệp từ nay đến năm 2010; thực hiện tiếp chương trình giống nông nghiệp (lúa, cây ăn trái, thuỷ sản, gia cầm, lợn, bò…); phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; phát triển hệ thống phân phối mang tính chất tập trung. Hiện tỉnh đã lập đề án xây dựng chợ đầu mối trái cây xã Tân Hội, Thị xã Vĩnh Long và chợ đầu mối nông sản thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh. Chợ đầu mối trái cây xã Tân Hội, thị xã Vĩnh Long sẽ xây dựng khoảng 10 ha, tiếp giáp sông Cổ Chiên là nơi tập trung tiêu thụ các loại trái cây chủ lực của tỉnh và các vùng lân cận có sản lượng trái cây lớn như: huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre, huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp và một số xã thuộc huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Chợ đầu mối trái cây sẽ là điểm buôn bán trái cây đặc sản, chất lượng cao của địa phương cho du khách, cho hệ thống các siêu thị, nguyên liệu cho nhà máy chế biến, cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Dự án xây dựng chợ đầu mối hàng nông sản tại thị trấn Cái Vồn huyện Bình Minh rộng 5 ha là nơi tập trung tiêu thụ các loại rau, củ, quả và các loại cây màu khác trong tỉnh, trong vùng ĐBSCL, cho 2 thị trường lớn là Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ và các vùng lân cận, đồng thời tổ chức sơ chế cung ứng nguyên liệu cho chế biến hàng xuất khẩu. Song song đó, tỉnh đang tiếp tục phát triển hệ thống chợ đều khắp tới từng xã, từng cụm xã trong tỉnh, trong đó có nhiều chợ đang được thực hiện với phương thức "lấy chợ nuôi chợ" để giúp nông dân tiêu thụ nông sản, giúp các doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc thu mua nguyên liệu với số lượng lớn.

Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây an toàn khu vực sông Tiền (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An và TPHCM) đang được triển khai chính là để liên kết giữa sản xuất và kinh doanh trái cây được xác nhận theo quy trình GAP, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản trong xu thế hội nhập, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Thế mạnh của 6 tỉnh, thành này là có diện tích vườn cây ăn trái (CAT) chiếm 2/3 tổng diện tích CAT của cả vùng ĐBSCL, đất đai mầu mỡ, giao thông thuận tiện, có trung tâm thương mại trái cây lớn, có Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và nhiều giống CAT đặc sản có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong nước, xuất khẩu và chế biến. Dự án liên kết này ra đời còn nhanh chóng tạo được mối liên kết giữa "4 nhà", thực hiện đầy đủ các chức năng để cùng nhau xây dựng và thực hiện quy trình sản xuất trái cây chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo tiêu chuẩn EU (EUREGAP). Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng vừa phê duyệt quy hoạch phát triển cây ăn trái đặc sản vùng ĐBSCL đến năm 2010, nhằm phát huy lợi thế, xây dựng thành một ngành sản xuất hàng hóa có đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. Trong 9 loại CAT đặc sản chọn quy hoạch phát triển, hiện có bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành Tam Bình, sầu riêng Ri 6, sầu riêng Chín Hóa, xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè) nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng và đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Mới đây, Tổ chức Hữu nghị vì hòa bình của Nhật Bản đã đến làm việc và khảo sát khu vực sản xuất rau an toàn (RAT) của hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ RAT xã Phước Hậu (Long Hồ) và HTX sản xuất RAT xã Thành Lợi huyện Bình Minh để tìm hiểu về năng lực sản xuất, tiêu thụ RAT của nông dân Vĩnh Long thông qua các HTX sản xuất RAT. Vì vậy, sắp tới, dự kiến sẽ có một số chuyên gia người Nhật đến Việt Nam để tập huấn hướng dẫn cách sản xuất RAT, đồng thời sẽ mời một số đại diện phía Việt Nam sang Nhật để học tập kinh nghiệm trồng rau sạch của Nhật Bản.

Nếu thỏa thuận này diễn ra tốt đẹp thì phía Nhật Bản sẽ hợp tác đầu tư kỹ thuật sản xuất RAT và thu mua lại sản phẩm của nông dân Vĩnh Long. Như vậy sẽ có thêm một kênh tiêu thụ ổn định, bền vững cho các mặt hàng nông sản của Vĩnh Long trên con đường hội nhập./.