00:00 Số lượt truy cập: 2995755

Vĩnh Phúc: Thanh long ruột đỏ “bén rễ” trên đất khô cằn, sỏi đá 

Được đăng : 03/11/2016
Đó là triệu phú Nguyễn Đình Long ở thôn Tam Phú, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong một lần đến tham quan Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương, anh cùng một số người dân địa phương đã chọn mua giống cây thanh long ruột đỏ về trồng thử.

Trong suy nghĩ của anh lúc đó chỉ là muốn trồng thử nghiệm một loại cây trồng mới vốn đã rất quen thuộc ở miền Nam. Và chính bản thân anh Long cũng không thể tin thanh long ruột đỏ lại là cây làm giàu của gia đình mình và nhiều bà con trong vùng hiện nay.

Trước sự ngạc nhiên của bà con hàng xóm và cả những người thân trong gia đình, năm 2007, anh thay vườn xoài, vườn vải của gia đình bằng cây thanh long ruột đỏ. Ban đầu anh Long gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật chăm sóc, bón phân và làm trụ. Không quản ngại khó khăn, anh đã tích cực mày mò, học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ trên sách báo, ti vi.

Trao đổi với anh Long tại gian hàng trưng bày sản phẩm thanh long ruột đỏ của gia đình tại Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại khu vực phía Bắc năm 2013, anh chia sẻ: Bản thân tôi cũng không thể tin cây thanh long ruột đỏ trồng ở phía Bắc lại cho năng suất khả quan như vậy. Theo đánh giá của bà con cũng như một số khách hàng: Thanh long ruột đỏ được trồng ở Lập Thạch có vị ngọt đậm, thơm hơn một số loại thanh long trồng ở nơi khác nên được thị trường ưa chuộng. Bình quân mỗi trụ cho khoảng 15kg quả, một 1ha trồng được 1.000 trụ, năng suất đạt 10 - 15 tấn/ha/vụ. Giá thanh long bình quân từ đầu vụ đến cuối vụ ước 35.000 - 50.000 đồng/kg, thương lái tìm vào tận vườn thu mua, nên không mất chi phí đi lại. Anh phấn khởi chia sẻ thêm: Năm 2012, thanh long mang về cho gia đình tôi lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Hiện nay, thanh long ruột đỏ đã xanh tốt trên nhiều khu vườn, quả đồi của xã Vân Trục. Bà con tin tưởng vào loại cây trồng mới này và đang mạnh dạn mở rộng diện tích lên hơn 70ha. Gia đình anh Nguyễn Đình Long hiện có 7,5 ha thanh long với 7.500 trụ, trong đó có 1.500 trụ đã cho trái, thu hút nhiều đoàn tham quan học tập kinh nghiệm của bà con nông dân địa phương. Ủy ban Nhân dân huyện Lập Thạch đã xây dựng và triển khai dự án phát triển vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ của huyện với diện tích 100 ha tại 3 xã Vân Trục, Xuân Hòa, và Ngọc Mỹ. Năm 2013, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép thành lập Hội sản xuất thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch. Anh Nguyễn Đình Long vinh dự được bầu làm Trưởng ban vận động của Hội. Hội là nơi bà con trồng thanh long trong huyện Lập Thạch nói riêng và bà con nông dân các tỉnh phía Bắc nói chung có trồng thanh long ruột đỏ chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc thanh long, liên kết để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc đang tiến hành các thủ tục nhằm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể “Thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch”, từng bước đưa thanh long ruột đỏ được trồng từ trong khô cằn, sỏi đá có chỗ đứng vững chắc và vươn xa trên thị trường.

Anh Long (áo trắng, người đầu tiên bên phải) tư vấn cho khách tham quan gian hàng trưng bày thanh long ruột đỏ của gia đình

tại Hội chợ NN và TM khu vực phía Bắc năm 2013

 

Giống thanh long ruột đỏ trồng ở các tỉnh phía Bắc là giống có xuất xứ từ Đài Loan, được Viện Nghiên cứu Rau quả nhập từ đảo Hải Nam Trung Quốc từ năm 2001 và được trồng khảo nghiệm đầu tiên ở 3 điểm: Trâu Quỳ, Gia Lâm; Kim Quan, Thạch Thất - Hà Nội và Phủ Quỳ - Nghệ An. Hiện tại, giống này được trồng rải rác ở một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Hải Dương, và Vĩnh Phúc… với diện tích đạt khoảng vài chục ha.


Kết quả trồng khảo nghiệm ở một số tỉnh phía Bắc đã cho thấy, cây thanh long ruột đỏ có khả năng sinh trưởng, phát triển khá tốt; ra hoa nhiều đợt trong năm, từ tháng 4 đến tháng 10, có thể rải vụ thu hoạch, tiềm năng cho năng suất cao trong điều kiện sinh thái một số tiểu vùng miền Bắc nên có thể được bổ sung làm phong phú cơ cấu giống cây ăn quả ở một số tỉnh: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Điện Biên, và Sơn La.


(Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Rau quả)

 

Hải Đường - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia