Virus cúm gia cầm đã có những biến đổi
Được đăng : 03/11/2016
Nguồn tin Cục Thú y (Bộ NNPTNT) ngày 13.3 khẳng định, kết quả giải mã trình tự gene virus cúm lấy từ các ổ dịch gần đây do cơ quan này gửi đến phòng thí nghiệm tham chiếu cúm gia cầm của AAHL (Australia) cho thấy, virus cúm gia cầm đã có những biến đổi nhất định dù chưa ảnh hưởng đến việc bảo hộ miễn dịch do tiêm phòng vaccine.
Các kết quả xét nghiệm 17.400 mẫu huyết thanh gia cầm chỉ báo (những con không tiêm phòng trong một đàn tiêm phòng) cũng cho thấy tỉ lệ thuỷ cầm có biến đổi huyết thanh là khá cao, từ 30-50%. Do đó có thể khẳng định, virus vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vốn có mật độ đàn thuỷ cầm cao.
Cũng tại miền Nam, đợt giám sát đột xuất trong tháng 2.2007 trên 712 mẫu swab cho kết quả có đến 40 mẫu dương tính với virus cúm H5 (chiếm 5.6%), nhưng âm tính với N1. Kết quả này cho thấy trên đàn vịt hiện vẫn lưu hành chủng virus cúm H5 chưa xác định được chính xác N.
Do đó, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm cho rằng, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trong các tháng tới cần chú trọng các biện pháp phòng dịch.
Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo việc tiêm phòng vaccine phòng dịch cho gia cầm trong năm nay theo 2 đợt chính (tháng 3-4 và 9-10), ngoài ra giữa 2 đợt sẽ tổ chức tiêm phòng bổ sung cho các đàn gia cầm mới phát sinh.
Cơ quan này cũng yêu cầu, việc tiêm phòng vaccine Trovac phải được thực hiện đối với gà con 1 ngày tuổi trước khi đưa đi nuôi theo hình thức công nghiệp.
Ngoài việc tiêm các loại vaccine H5N1 cho gà, vịt và vaccine H5N9 cho ngan, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT cũng sẽ sử dụng vaccine H5N2 của Hà Lan tiêm phòng bệnh cho gà theo nhu cầu. Viện Thú y T.Ư hiện đang đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào sản xuất vaccine cúm gia cầm của VN.
Liên quan đến diễn biến dịch cúm A trên người, theo cảnh báo của Bộ Y tế, thời tiết lạnh và ẩm tại miền Bắc hiện đang là điều kiện thuận lợi cho virus tồn tại và lây lan sang người.
Thêm vào đó, tình hình dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới và mới đây Lào đã ghi nhận trường hợp mắc cúm A (H5N1) ở người đầu tiên trong năm 2007.
Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu virus cúm A vẫn tồn tại và phát triển thì nguy cơ đột biến và tái tổ hợp tạo ra chủng virus mới gây đại dịch là hoàn toàn có thể xảy ra.