00:00 Số lượt truy cập: 3047551

Vỗ béo bò - nghề làm chơi ăn thật 

Được đăng : 03/11/2016


Làm chơi,  ăn thật!

Ông Bùi Văn Đạt (65 tuổi) ở thôn Tân Kiều, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn-Bình Định) cho biết: Nuôi bò là nghề “gia truyền” của gia đình tôi, thế nhưng về sau này, nhận thấy nuôi bò theo cách truyền thống phải mất nhiều thời gian mới có được con bò để bán, trong khi đó nhu cầu của thị trường thì luôn “hối hả” nên tôi chuyển sang nuôi bò vỗ béo”. Theo cách tính của ông Đạt, bò cái “bụng mang dạ chửa” 9 tháng mới sinh được 1 bê con, nuôi thêm 6 tháng nữa mới có được con nghé xuất chuồng. Trong thời điểm hiện nay, 1 con nghé 6 tháng tuổi có giá từ 3 đến 4 triệu đồng (tuỳ cái hay đực), sau khi trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc thì chẳng còn thu nhập được bao nhiêu. Trong khi đó, nuôi bò vỗ béo, từ khi nhập đến khi xuất chuồng chỉ trong vòng 2-3 tháng, người nuôi có chắc khoản lãi 2 triệu đồng/con.

Tiếng lành đồn xa, từ 1 vài hộ ban đầu, nghề nuôi bò vỗ béo nhanh chóng lan rộng ở 2 xã Nhơn Mỹ và Nhơn Lộc của huyện An Nhơn hình thành vùng sản xuất tập trung có đầu ra ổn định, đến kỳ hạn là các Cty chuyên xuất khẩu thịt gia súc ở TP HCM đánh xe ra tận nơi thu mua. Không dừng lại ở đó, từ năm 2004 đến nay, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, nghề nuôi bò vỗ béo tiếp tục nhân rộng trên khắp các địa bàn trong tỉnh Bình Định.

Ông Quốc Hương, nông dân nuôi bò vỗ béo ở xã Ân Phong, huyện miền núi Hoài Ân cho biết: “Nuôi bò vỗ béo rất phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình, ngoài cỏ tươi chúng tôi còn tận dụng các loại thực phẩm sẵn có như bắp, cám, gạo, đậu nành, hèm rượu, bột mì, rỉ mật để làm thức ăn cho chúng nên giảm được chi phí rất đáng kể”. Ông Đào Văn Hùng-Giám đốc Trung tâm kỹ thuật vật nuôi Bình Định, nhận định: “Mặc dù Bình Định được đánh giá là 1 tỉnh có đàn bò khá lớn trong khu vực miền Trung nhưng do tập quán nuôi thả rông, không thâm canh nên hiệu quả rất kém. Việc phổ biến nghề nuôi bò vỗ béo ngoài làm tăng giá trị kinh tế còn từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi của nông dân”.

Ông Bùi Văn Đạt bên con bò mới chỉ được 1 tháng vỗ béo

Bí quyết của nghề

Làm thế nào để chỉ trong vòng vài tháng mà một con bò "da bọc xương" biến thành con bò vạm vỡ, khoẻ mạnh? Ông Bùi Văn Đạt nói trên chính là một chuyên gia về lĩnh vực này. Ông nói: “Tôi vào nghề vỗ béo bò đã gần 20 năm nay. Thời gian đầu, kết quả vỗ béo không được như bây giờ đâu vì mình chưa có kinh nghiệm trong việc chọn bò, phòng trừ dịch bệnh và chế độ ăn cho chúng. Nghề dạy nghề, lâu dần rồi cũng rút được nhiều kinh nghiệm và bây giờ, chỉ sau 2 tháng tôi kiếm lãi được 2 triệu đồng/1 con bò là chuyện chắc ăn như bắp!”.

Theo ông Đạt, để việc vỗ béo cho hiệu quả cao, những con bò được chọn phải là bò lai, dù nó ốm đến không còn tí thịt thì vẫn còn có bộ xương to, vai rộng, ức sâu, mông, bản lưng lớn… Đừng “sờ” vào những con bò “rả” (bộ xương hẹp) mà đem của đổ sông đổ biển. Chọn được con bò như vậy là cơ bản rồi nhưng nếu nó “chảnh ăn” thì cũng… thua vì yếu tố quyết định cho việc vỗ béo là con bò phải thuộc loại “dày ăn”. Nhìn con bò có vành mồm to và rộng thì đó là những con bò phàm ăn, nên chọn.

Loại bò này có rất nhiều ở các vùng miền núi, vì nuôi số lượng nhiều, thiếu thức ăn nên rất ốm thường bị bán thải. Nếu ai gặp may mua được những con bò cộ đã mất sức kéo thì kể như là “vào cầu” vì khi về chuồng mình, chỉ cần vỗ béo 1 tháng là chúng mập lên trông thấy. Việc thay đổi môi trường sống đột ngột sẽ ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của con bò nên người nuôi phải có những bước chuẩn bị chu đáo.

Ông Đạt cho biết thêm: “Trước khi dắt bò vào chuồng, việc tôi làm đầu tiên là xổ sán cho chúng, tiếp tới là tiêm phòng LMLM và chích cho chúng thuốc bổ để chúng phục hồi sức khoẻ mà tiếp nhận những chế độ vỗ béo của mình. Ngoài thức ăn công nghiệp, tôi còn cho chúng ăn thức ăn hỗn hợp tự chế bằng các loại: lúa lừng, bắp, mì, đậu nành xay nghiền trộn chung để cho ăn cùng với cháo nấu với rau muống. Rơm phơi khô được rưới lên ít nước muối để làm bò tiêu hoá nhanh không bị trướng dạ cỏ. Ăn xong, cho chúng uống 1 ít nước muối pha loãng để giúp tiêu hoá nhanh. Để dự trữ thức ăn cho chúng vào mùa mưa, tôi xếp 1 lớp dây đậu nành, đến 1 lớp rơm khô và rải lên trên 1 lớp muối hạt, cứ thế để dành cho chúng ăn bao lâu cũng được”.

Với quy trình vỗ béo như trên, những con bò trong chuồng của ông Bùi Văn Đạt có mức tăng trọng 750g/ngày (22,5 kg/tháng/con). Với giá hiện nay là 40.000đ/kg bò hơi, sau 2 tháng vỗ béo, mỗi con bò trong chuồng cho ông Đạt khoản thu nhập gần 1.800.000đ. Ông Đạt phấn khởi: “Mỗi năm tôi xuất chuồng 5 lần (2 tháng 1 lần), mỗi lần ít nhất 3 con bò. Khoản thu nhập từ nghề nuôi bò vỗ béo đã giúp cho cuộc sống của gia đình tôi ổn định nhiều năm nay”.