00:00 Số lượt truy cập: 3081653

Vụ Đông Xuân 2009 – 2010: Nguy cơ xuất hiện nhiều dịch bệnh mới 

Được đăng : 03/11/2016
Theo đánh giá của Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), vụ đông xuân 2009 - 2010, các địa phương không chỉ phải đối mặt với tình trạng hạn hán mà còn bị “bao vây” bởi hàng loạt các loại dịch bệnh mới xuất hiện, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, chất lượng cây trồng.

Bệnh của lúa lây sang ngô

Theo Viện Bảo vệ thực vật, thời gian qua, tại 16 tỉnh, thành phố phía Bắc đã xuất hiện một loại vi -rút mới trên lúa và gây hại trên diện rộng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau. Vụ mùa vừa qua, diện tích lúa bị hại ở miền Bắc ước khoảng 35.000ha, năng suất giảm từ 30 – 70%, cá biệt nhiều cánh đồng lúa không cho thu hoạch. Kết quả nghiên cứu cho thấy, loại vi -rút này giống với vi -rút gây bệnh lúa lùn sọc đen dòng 2 (vi-rút lúa lùn sọc đen phương Nam). Đáng lưu ý, “vi-rút này không chỉ gây hại trên lúa mà còn gây bệnh cả trên ngô”, ông Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết.

Trong khi đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khẳng định, tình hình dịch hại trên cây vụ đông 2009 tuy không khác so với năm trước nhưng lần đầu tiên bệnh lùn sọc đen hại ngô đã được phát hiện tại nhiều tỉnh phía Bắc. Ngô bị bệnh chủ yếu là ngô lai, gieo trước hoặc ngay sau trên đất luân canh hai vụ lúa và ngô. Khi bị bệnh, cây ngô có triệu chứng xoăn lùn, lá thô và có màu xanh đậm; lá ngọn bị xoắn và không phát triển được, gân lá bị sưng phồng, đôi khi trên gốc mọc chồi phụ. Sự hiện diện của vi -rút lúa lùn sọc đen dòng 2 trên cây ngô vụ đông là cực kỳ nguy hiểm bởi nó là cầu nối để vi -rút này tồn tại và lây lan cho vụ lúa đông xuân 2009 – 2010.

Khi phân tích các mẫu, chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật xác định rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ trên lúa là vật môi giới truyền bệnh trên cây ngô đông. “Rầy lưng trắng không chỉ có khả năng truyền vi -rút lùn sọc đen sang ngô mà còn có khả năng truyền sang lúa mì, cỏ lồng vực (loại cỏ mọc ở khắp nơi). Ngô vụ đông, đặc biệt là vựa ngô Tây Bắc rất có thể sẽ “dính” dịch lùn sọc đen nếu không có biện pháp tiêu diệt nguồn bệnh. Kết quả thí nghiệm về khả năng lây bệnh lùn sọc đen trên ngô và lúa cho thấy, chỉ có 50% số rầy lưng trắng mang vi -rút lùn sọc đen có khả năng truyền bệnh cho lúa, trong khi ngô là 75%”, ông Viễn nói.

Chống dịch phải mang tính cộng đồng

Để chủ động bảo vệ cây trồng trong vụ sản xuất sắp tới, Viện Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con cần tiêu huỷ triệt để nguồn bệnh; tập huấn cho cán bộ cấp tỉnh, huyện về nhận dạng bệnh, con đường lây lan và biện pháp phòng chống.

Theo đó, các kỹ thuật hạn chế tác hại của bệnh cần được tiến hành theo 2 giai đoạn. Thứ nhất là phòng bệnh (khi lúa mới gieo sạ đến 60 ngày tuổi): sử dụng các biện pháp né rầy, gieo sạ tập trung để phân tán rầy di trú, ưu tiên sử dụng thuốc hóa học nội hấp để trừ rầy trưởng thành mang mầm bệnh đầu tiên vào ruộng. Giai đoạn 2 (từ khi lúa làm đòng đến khi thu hoạch): chống sự lây lan của bệnh và cháy rầy. Đây là giai đoạn chống thiệt hại trực tiếp do rầy gây ra và chống rầy mang mầm bệnh di chuyển qua vụ lúa tiếp theo và tới các địa phương khác ở cuối vụ.

ông Phạm Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, các địa phương nên học tập kinh nghiệm làm mạ xuân tập trung của tỉnh Ninh Bình để dễ kiểm soát thời vụ, kỹ thuật, sâu bệnh, tuổi mạ khi cấy và tiết kiệm chi phí. Đối với mạ xuân, phải quản lý phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng triệt để ngay từ đầu để ngăn ngừa lan truyền vi -rút bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá và lùn sọc đen trên lúa. Các vùng đã xuất hiện vàng lùn – lùn xoắn lá vụ mùa, hè thu không áp dụng biện pháp gieo thẳng mà gieo mạ tập trung có che phủ nylon để kiểm soát chặt chẽ rầy ngay từ khâu mạ. Đặc biệt, thực hiện tốt biện pháp tưới tiết kiệm, kể cả khâu đổ ải, dưỡng lúa, phấn đấu tiết kiệm 20-30% lượng nước tưới bình quân /ha lúa.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, vụ đông xuân năm nay bên cạnh việc phải đối phó với hạn hán, tỉnh này cũng đang tìm các biện pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen trên ngô, lúa. Vụ đông xuân 2009 – 2010 sẽ tăng cường biện pháp phòng chống lùn sọc đen như không gieo thẳng, che phủ mạ nylon có phun thuốc, trang bị hệ thống bẫy đèn cho địa phương xử lí môi giới truyền bệnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng chỉ đạo, bà con nông dân cần phải bảo vệ cây lúa ở giai đoạn non, chống xâm nhập và truyền bệnh của rầy lưng trắng kéo dài đến giai đoạn phân hóa đòng. Tiến hành đồng thời trong vùng có dịch và vùng phụ cận theo nguyên tắc chống dịch phải mang tính cộng đồng.