Nhằm vận động cho bộ “quy chuẩn” mới? Hiện nay chưa ai lấy tiêu chuẩn của WWF để mua cá tra mà vẫn sử dụng tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Trước đây, quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) không chuẩn mực khi đưa con cá tra vào sách vàng, giờ đưa vào sách đỏ lại càng không chuẩn mực”.
Hết sách vàng đến sách đỏ
Ông Huỳnh Thế Năng cũng cho biết: “Thời điểm trước đây khi WWF đưa cá tra vào sách vàng, chúng tôi đã phản ánh đến họ nhưng không nhận được phản hồi, giờ họ lại đưa vào sách đỏ. Đây là việc làm không thể hiểu nổi. Việc làm này đã có những tác động và ảnh hưởng ít nhiều đến những tỉnh sản xuất cá tra ở vùng ĐBSCL. Làm thiệt hại cho sản phẩm cá tra - một sản phẩm nhiều giá trị dinh dưỡng, giải quyết hàng chục ngàn việc làm cho người dân ĐBSCL. Việc làm này gây bất công cho người nuôi và ngành cá tra Việt Nam”.
Ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An, TP Cần Thơ, cho rằng: “WWF đã làm một việc thiếu khách quan, không công bằng và dẫn đến sự hiểu lầm của người tiêu dùng trên thế giới đối với sản phẩm cá tra Việt Nam”. Ông Hải cũng cho biết cá tra ĐBSCL hiện đều nuôi theo mô hình công nghiệp và tùy theo từng nơi mà người nuôi đã và đang áp dụng, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP”.
Ông Hải cho biết khoảng 2 - 3 năm nay, ông được mời và có tham gia hội thảo, đối thoại do WWF tổ chức để lấy ý kiến cho dự án xây dựng bộ quy chuẩn quốc tế cho nuôi cá tra, ba sa của tổ chức này. “Hiện nay họ đã công bố bộ quy chuẩn này trên Internet và cũng là thời điểm đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ. Điều này khiến chúng tôi phải đặt vấn đề, suy nghĩ” - ông Hải nói.
Ngày 5-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Thanh Phương - Trưởng khoa Thủy sản ĐH Cần Thơ cho biết: “Đây là vấn đề phức tạp. Thông tin báo chí đưa dẫn thì cá tra đã được WWF đưa vào danh sách đỏ, trong khi trang web của WWF hiện cá tra đang nằm ở danh sách vàng cam. Do đó tôi nghĩ chính quyền, cơ quan chức năng, bộ ngành, hiệp hội cần lên tiếng để làm rõ mọi chuyện”.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phương cung cấp thêm thông tin mới là hiện nay WWF đã công bố trên mạng bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho việc nuôi cá tra, ba sa. “Tôi một lần được WWF mời tham dự cuộc đối thoại nuôi cá tra - ba sa (PAD - Pangasius Aquaculture Dialogue) tại TP. HCM để lấy ý kiến hoàn thiện bộ tiêu chuẩn mà họ đang xây dựng. Ở cuộc đối thoại này, tôi chỉ ra những điểm mà họ đưa ra không thực tế. Thế nhưng phía những ý kiến ủng hộ việc xây dựng bộ tiêu chuẩn này lại nhiều và khá áp đảo. Tôi thấy không ổn, nên từ đó không tham gia”.
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phương, WWF đưa ra mục tiêu 20% người nuôi áp dụng những tiêu chuẩn mà họ xây dựng và giai đoạn đầu họ hướng đến việc khuyến cáo người nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn này. “Chỉ khuyến cáo áp dụng các tiêu chuẩn của mình nhưng chỉ sợ sau một thời gian nếu có áp lực của một nhóm người mua yêu cầu người nuôi, nhà cung cấp sản phẩm cá tra phải áp dụng tiêu chuẩn mà WWF đưa ra thì đó lại là vấn đề. Hiện nay chưa thấy ai lấy tiêu chuẩn của WWF để mua sản phẩm cá tra, mà vẫn sử dụng tiêu chuẩn GlobalGAP” - PGS-TS Nguyễn Thanh Phương lo ngại.
Việt Nam chuẩn bị công bố sách trắng về cá tra
Để vượt qua những khó khăn, những quy định ngặt nghèo và khắt khe của thị trường các nước trên thế giới, nhiều năm qua các địa phương nuôi ca tra ở vùng ĐBSCL đều quy hoạch phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Và có quy định cụ thể với trường hợp nuôi quy mô công nghiệp phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nuôi ở hộ gia đình phải cam kết bảo vệ môi trường. Người nuôi thường xuyên được tập huấn về các tiêu chuẩn nuôi cá an toàn chất lượng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Thế nhưng những nỗ lực bấy lâu lại bị những thông tin từ bên ngoài “bêu xấu” bằng những chiến dịch có chủ đích. Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, hiện nay bên cạnh việc yêu cầu WWF làm rõ và phải chịu trách nhiệm về những thông tin mà họ đã công bố. Hiện VASEP đang chuẩn bị để trong quý I-2011 công bố sách trắng về nghề nuôi và chế biến cá tra ở Việt Nam.
“Qua đó giới thiệu toàn diện về ngành cá ở Việt Nam từ khâu nhân giống đến thành phẩm. Sử dụng thức ăn, thuốc thú y như thế nào, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường ra sao… Giúp người tiêu dùng hiểu rõ về sản phẩm của mình và ngành cá Việt Nam hơn” - ông Minh nhấn mạnh.
PGS-TS NGUYỄN THANH PHƯƠNG, Trưởng khoa Thủy sản ĐH Cần Thơ:
Áp dụng nhiều tiêu chuẩn quốc tế
Cách nay hơn sáu năm, nhiều địa phương đã áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế trong việc nuôi và chế biến cá tra:
- SQF 1000 (Safe Quality Food - thực phẩm an toàn, chất lượng) cho người nuôi.
- SQF 2000 cho các nhà máy chế biến thủy sản.
- Tiêu chuẩn GlobalGAP hiện được nhiều doanh nghiệp áp dụng.
Không nên áp đặt
Những tiêu chuẩn nuôi cá tra, cá ba sa mà WWF xây dựng có những tiêu chí, điểm tốt để giúp người nuôi cá tra nhưng đừng nên áp đặt. Cứ để người nuôi tự lựa chọn tiêu chuẩn (tất nhiên là tiêu chuẩn quốc tế) mà họ thấy phù hợp với họ.