00:00 Số lượt truy cập: 3078886

Vụ mùa ở ĐBSH và Bắc Trung Bộ: Đối mặt với ngập úng 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mùa mưa năm nay đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, vì vậy vụ mùa nhiều khả năng phải đối mặt với tình trạng ngập úng.

Gieo cấy hơn 800.000ha lúa

Vụ đông xuân 2009-2010 ở ĐBSH và Bắc Trung Bộ mặc dù gặp nhiều khó khăn như ấm nóng đầu vụ, hạn hán kéo dài, bệnh lùn sọc đen lây lan trên diện rộng song vẫn được đánh giá là được mùa, sản lượng thóc đạt gần 5,5 triệu tấn. ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, thực tế từ vụ đông xuân 2009-2010 cho thấy, tăng tối đa trà xuân muộn là giải pháp tối ưu để đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết và sâu bệnh.

Trước những kết quả đạt được của vụ đông xuân, vụ mùa tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra mục tiêu đẩy mạnh sản xuất lúa trên cơ sở thâm canh tăng năng suất, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm 2010, đồng thời bố trí trà lúa hợp lý để có đất phát triển mạnh vụ đông đối với cả 2 loại cây ưa ấm và ưa lạnh. Theo đó, vụ mùa tới, ngành nông nghiệp của 2 khu vực phấn đấu gieo cấy hơn 800.000ha lúa, năng suất vùng ĐBSH đạt 56 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha); Bắc Trung Bộ 46 tạ/ha (tăng 0,5 tạ/ha); sản lượng đạt 4,7 triệu tấn, tương đương vụ mùa năm 2009.

Để đạt được mục tiêu đề ra, chủ trương của Cục Trồng trọt là tăng diện tích cấy lúa mùa sớm, khoảng 400.000ha (chiếm 55%) với các giống ngắn ngày, năng suất và chất lượng gạo cao, ít sâu bệnh; giảm mùa trung và mùa chính vụ khoảng 330.000ha (45%) với các giống có thời gian sinh trưởng dài.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vụ mùa năm nay sẽ đối mặt với nhiều khó khăn như nguy cơ bùng phát bệnh lùn sọc đen, giống lúa lai không đủ nhu cầu và giá cao làm tăng giá thành... Ngập úng có thể xảy ra vào cuối vụ, ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung ương cho hay, từ đầu năm đến nay, lượng mưa giảm 20-30% so với trung bình nhiều năm, thậm chí có nơi giảm tới 60-70%. Mặc dù thời gian qua, tại một số nơi đã có mưa rải rác nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu nước cho sản xuất, chưa đảm bảo phục vụ thủy điện. Trong khi đó, mực nước của một số hồ như Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La đang xấp xỉ mực nước chết, chưa năm nào khô hạn khốc liệt như năm nay, chưa kể thời gian tới, nhiệt độ tiếp tục tăng cao, trong tháng 6 và 7 sẽ có thêm 3-4 đợt nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng tới sản xuất.

Do khô hạn kéo dài nên năm nay, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Bão sẽ tập trung vào giữa và cuối mùa. Các tỉnh Trung Bộ phải đề phòng vì cường độ bão sẽ mạnh, liên tục và di chuyển phức tạp hơn, số lượng bão khoảng 5-6 cơn. ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, mưa sẽ chỉ xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 10, do đó, khu vực này cần đề phòng thiếu nước vào đầu vụ, đồng thời cần có phương án phòng chống úng ngập vào cuối vụ.

Phòng chống úng là chính

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 45.000ha, tăng 6.000ha so với vụ trước. Để tránh bệnh lùn sọc đen, Thái Bình đã có kế hoạch triển khai gieo cấy trước thời vụ, 100% hạt giống trước khi gieo sẽ được xử lý bằng thuốc. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng nhận định nhiệm vụ tiêu úng là quan trọng nhất, do đó thống nhất phương án điều hành nước là chấp nhận hạn, chấp nhận bơm cục bộ chứ không để thiếu nước trên dòng sông chính.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, sản xuất vụ mùa 2010 sẽ thực hiện theo phương châm phòng chống úng là chính. Do đó, các địa phương cần chú ý tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đối với diện tích lúa mùa năng suất bấp bênh hoặc ở những vùng trũng thường xuyên ngập úng, kiên quyết chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản.

Riêng với vùng ĐBSH có khoảng 70.000-80.000ha vùng trũng, bà con cần sử dụng các giống lúa cao cây, chịu ngập tốt để phòng úng. Những diện tích không đảm bảo điều kiện tiêu úng hoặc vùng quá thấp phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời chuẩn bị giống và mạ dự phòng để cấy bổ sung khi bị thiệt hại.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, vụ mùa tới cần quyết liệt hơn nữa trong vấn đề phòng trừ rầy để xử lý bệnh lùn sọc đen. “Riêng đối với hạn, úng tập trung vào tháng 8, 9, giai đoạn đã vào giữa và cuối vụ nên sẽ gặp không ít khó khăn, nhất định không được để bị ngập úng vì khi ấy cứu lúa sẽ rất khó. Nếu chúng ta không làm tốt việc này thì năng suất và chất lượng lúa giảm là điều khó tránh khỏi”, ông Phát nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần vận hành hệ thống công trình thủy lợi theo đúng quy trình và kế hoạch, phương án phòng chống úng đã được phê duyệt, đảm bảo tiêu úng hiệu quả khi xuất hiện mưa lớn. Đối với các trạm bơm tiêu, cần vận hành đủ cơ số máy theo yêu cầu. Trường hợp mưa úng lớn, phải khoanh vùng tiêu hợp lý và sử dụng thêm các máy bơm dã chiến hỗ trợ để đảm bảo tiêu úng hiệu quả.