Tiền có mua nổi niềm tin?
Không chỉ ông Nguyễn Văn Vinh, theo ông Dương Nghĩa Quốc (Phó GĐ Sở NNPTNT Đồng Tháp), đại diện Cty CP giống gia cầm Lương Mỹ (Cty Lương Mỹ) xin tự chịu trách nhiệm vì cho rằng có thể do khâu bảo quản và tiêm phòng vaccine của họ chưa tốt làm gà chết nên cam kết hỗ trợ cho hộ dân bằng giá gà không bị nhiễm H5N1 trên thị trường.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề ở đây không phải là tiền mà là niềm tin của người chăn nuôi với mô hình nuôi sinh học, với dự án lớn của Nhà nước. Vì vậy muốn xác minh giấy tờ giả mạo, tiêm hay không thì cần có cơ quan pháp luật vào cuộc làm rõ!" - ông Quốc bức xúc.
Chi phí cho dự án khôi phục khẩn cấp đàn gia cầm 8 triệu USD từ Quỹ hỗ trợ Nhật Bản tài trợ, cung cấp gần nửa triệu con gia cầm cho 10 tỉnh thành cả nước.
Trong bối cảnh H5N1 liên tục hoành hành, dự án triển khai nuôi gà theo hướng an toàn sinh học được xem là mô hình triển vọng cho nhà nông và cả ngành nông nghiệp trong tình hình dịch cúm gia cầm liên tục tái phát. Tuy nhiên với hiện tượng gà "sạch" liên tục nổ dịch đã khiến người chăn nuôi gà "dự án" hoang mang, còn niềm tin của người tiêu dùng về sự an toàn đang lung lay...
"Nghi án" gà không có kháng thể bảo hộ
Mục tiêu của tiêm phòng vaccine nhằm tạo cho gia cầm có kháng thể bảo hộ chống lại sự tấn công của virus. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm mới nhất của Trung tâm Thú y vùng VII (TTTY VII) trên hơn 170 mẫu huyết thanh gà "dự án" ở xã Tân Hội Trung khẳng định "không có kháng thể kháng virus H5N1".
Người nuôi gà "dự án" ở Đồng Tháp đang hoang mang. |
Từ kết quả này có thể "khoanh vùng" nguyên nhân nổ dịch: Hoặc do không tiêm phòng, hoặc do vaccine không hiệu quả, hoặc là do virus cúm gia cầm đã "lờn" thuốc, hay kỹ thuật tiêm, bảo quản không tốt khiến khi vào cơ thể gia cầm vaccine hết tác dụng.
Phương pháp TTTY VII là lấy huyết thanh gà phân tích giống như test với vaccine H5N1 do Trung Quốc sản xuất. Nhưng nhà sản xuất (Hãng Merial - Pháp) cho rằng, với loại vaccine Trovac phải phân tích trên tế bào chứ không phải trên huyết thanh. Ông Phan Xuân Thảo (Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu ứng dụng vaccine Trovac được Bộ NNPTNT công nhận và cho phép áp dụng trên quy mô rộng) cũng nói, để kiểm tra hiệu giá vaccine Trovac phải có test kis riêng chứ không phải dùng phương pháp như với vaccine H5N1.
Vì vậy theo ông Nguyễn Bá Thành (GĐ TTTY VII) kết quả xét nghiệm chưa đủ cơ sở khẳng định nguyên nhân. Bất ngờ này bật ra một "nghi án" lớn: Chưa đủ cơ sở sao lãnh đạo Cty Lương Mỹ vội vã xin chịu trách nhiệm, cho rằng có thể do bảo quản vaccine không tốt khiến thuốc không hiệu quả gây chết gà? Cần lưu ý rằng đây là một dự án quốc gia liên quan đến hàng triệu USD và ảnh hưởng tới công cuộc chống dịch cũng như khôi phục đàn gia cầm, tái tạo lại "miếng cơm manh áo" cho hàng triệu người chăn nuôi.
Mới đây, Văn phòng Bộ NNPTNT có công văn số 3767/TP-BNN-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát về vụ tái dịch ở Đồng Tháp. Theo đó ông Cao Đức Phát yêu cầu BQL Dự án nông nghiệp, Tổng Cty Chăn nuôi Việt Nam phối hợp với Cục Thú y làm rõ nguyên nhân phát bệnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan nếu vi phạm Pháp lệnh Thú y và các quy định về phòng, chống dịch cúm gia cầm hiện hành, báo cáo kết quả cho bộ trưởng trước ngày 30.7.2007.