Anh tiến hành cải tạo hai đầm nuôi tôm công nghiệp, mỗi đầm có diện tích 4.500m2, thả hai vụ/năm. Do bước đầu thực hiện còn thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức thực tiễn, nên kết quả không cao, chỉ đạt hơn 2 tấn tôm, thu lãi hơn 220 triệu đồng. Sau bao đêm suy nghĩ, anh đã đến các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng tìm hiểu kinh nghiệm, vừa học vừa làm. Từ quy trình đào đầm, đến quy trình thả nuôi, chăm sóc, cách thức quản lý đến các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đến năm 2005, anh quyết định chuyển toàn bộ 9,8ha đất sang nuôi tôm công nghiệp với 12 đầm nuôi. Vừa học, vừa làm, vừa tổng kết kinh nghiệm, thu hoạch vụ sau cao hơn vụ trước. Trong năm 2007, với 12 đầm nuôi tôm cho thu hoạch gần 40 tấn tôm, doanh thu hơn 4,2 tỷ đồng. Anh Trần Trí Sự, cho biết: Nghề nuôi tôm công nghiệp rủi ro rất cao, dễ nhưng khó. Bởi trong thực tế nhiều hộ học nuôi trúng vụ đầu, thường hay thỏa mãn, nên các vụ sau thường hay bị gãy. Còn riêng đối với “vua tôm” công nghiệp Trần Trí Sự, càng nuôi, anh càng học hỏi nhiều hơn. Bởi càng nuôi càng khó, phát sinh nhiều vấn đề mới, bệnh mới. Nhất là hiện nay, môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm, thời tiết diễn biến bất thường, người nuôi tôm phải đương đầu với nhiều loại dịch bệnh. Theo“vua tôm” công nghiệp Trần Trí Sự thì yếu tố hàng đầu dẫn đến thành công trong nuôi tôm công nghiệp đó là: mỗi năm chỉ làm một vụ, xác định được tôm giống sạch bệnh, trong quá trình nuôi, lượng ôxy cung cấp cho tôm nuôi phải được ưu tiên hàng đầu.

Cho tôm ăn

Kiểm tra độ tảo trong nước
Hiện nay, trên 12 đầm tôm anh đã thả giống được hơn 20 ngày tuổi, tôm đang phát triển tốt và hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Không chỉ sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng cho gia đình, mà anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 11 lao động ở địa phương với mức lương bình quân 900 ngàn đồng/tháng.
Với ý chí, nghị lực, hoài bão của tuổi trẻ, biết vận dụng sáng tạo tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, “vua tôm” công nghiệp Trần Trí Sự đã tạo nên bước đột phá mới trong nuôi tôm công nghiệp ở Đầm Dơi. Và là tấm gương sáng để mọi người học hỏi.