00:00 Số lượt truy cập: 2999159

Vua trồng nấm tuổi 27 ở Tân Yên, Bắc Giang 

Được đăng : 03/11/2016
27 tuổi là ông vua của một trang trại trồng nấm ở huyện Tân Yên, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Đó là anh Nguyễn Văn Quý ở thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu là một người như thế.


Cơ duyên đến với nghề

Một nét mặt còn quá trẻ so với tuổi 27 của mình, anh Quý là một thanh niên nông thôn phải bươn trải đủ nghề từ bắc vào nam để kiếm sống. Nhưng vóc dáng anh lại giống như một công tử nhà giàu có. Ít ai nghĩ rằng anh lại là một ông chủ của trang trại trồng nấm 600 m2 ăn lên làm ra này. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông, gia đình anh Quý quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời sao cho chỉ đủ ăn. Năm 1998, học xong cấp 3 anh Quý không thi vào đại học mà quyết định vào nam tìm việc kiếm sống. Công việc đầu tiên tìm được là làm công nhân cho Hội Cựu chiến binh trồng nấm ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Làm được 2 năm, anh đã học hỏi tích lũy được nhiều kinh nghiệm việc trồng nấm và thấy được làm nấm không khó mà hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện thời tiết tại quê nhà. Từ đó anh Quý ấp ủ nghề ổn định và lâu dài cho mình sau này.

Kinh tế gia đình khó khăn, vốn thì không thì tính gì chuyện làm giàu nhưng với ý chí và quyết tâm của chàng trai trẻ có khát vọng vươn lên làm giàu. Làm tại trang trại trồng nấm của Hội Cựu chiến binh Đà Lạt lương cũng chỉ đủ sống. Anh vào thành phố Hồ Chí Minh xin đi học lái xe và làm lái xe cho một công ty vận tải. Từng đồng lương com cóp ròng rã gần 10 năm cũng kha khá cho việc đầu tư trồng nấm.

Và thành vua trồng nấm

Tháng 9/2009, trở về quê anh bắt tay ngay vào việc làm một trang trại trồng nấm trên mảnh đất vườn cây ăn quả hiệu quả thấp của gia đình. Anh bỏ gần 300 triệu đồng cho việc cải tạo, xây dựng và mua giống ban đầu để tạo được một cơ ngơi như ngày hôm nay. Trên nền diện tích là 600 m2 được anh thiết kế xây dựng được 5 gian nhà lợp bằng lá cọ để tạo độ thoáng, mát, ẩm cho nấm thuận lợi phát triển. Nguyên liệu chủ yếu là mùn cưa bồ đề, keo không tinh dầu và bông được mua từ Yên Bái và Thái Nguyên. Nguyên liệu được sơ chế và đóng bịch sau đó cho vào lò hấp để khử trùng những vi khuẩn gây bệnh cho nấm trong vòng 48 tiếng. Cấy nấm là khi bịch được để nguội. Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển tốt là từ 28-32 độC.

Với 600m2 gian nhà anh Quý trồng chủ yếu là mộc nhĩ, với 500m2, còn lại là trồng nấm sò. Mỗi một gian nhà anh cho treo được khoảng 7000 bịch nấm, mỗi bịch khi thu hoạch được 0,5gam nấm khô. Cứ khoảng 2 tháng nấm của anh được thu hoạch một lần. Nấm được cấy trồng gối vụ nên nhau, khi thu hoạch xong nấm mộc nhĩ thì sẽ tận dụng xác bã đó để trồng nấm sò. Mùa hè không thích hợp cho trồng mộc nhĩ nên sẽ được thay bằng trồng nấm sò. Như vậy, một gian nhà cho anh Quý thu được từ 3-4 tạ nấm khô. Trung bình giá bán ra thị trường từ 60-70.000 đồng/kg. Trong thời gian ngắn chưa đầy một năm mô hình trồng nấm của anh Quý đã cho hiệu quả cao, đạt gần 100 triệu đồng. Trang trại nấm của anh Quý còn giải quyết và tận dụng nhiều lao động dư thừa trong thôn theo thời vụ. Khi hỏi thêm về kinh nghiệm trồng nấm, anh Quý chia sẻ: “Trồng nấm phải cẩn thận và tỉ mỉ ở tất cả các khâu và thường xuyên phải chăm sóc kiểm tra sự phát triển, sinh trưởng của nấm”.

Trong quá trình sản xuất nấm, anh Quý có tham gia những buổi hội thảo, tham quan các mô hình ở Lục Nam, Hiệp Hòa do Trạm khuyến nông huyện tổ chức. Ngoài ra anh còn tham gia lớp học kỹ thuật trồng nấm của Viện Di truyền học, thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để nâng cao kiến thức kinh nghiệm cho công việc của mình. Như vậy có thể thấy, anh Quý chính là người đầu tiên khai phá đem nghề trồng nấm về quê nhà. Thấy được cây nấm mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế cao nên anh Quý có ý tưởng thành lập một hợp tác xã để giúp đỡ các hộ dân muốn tham gia trồng nấm. Sau này sẽ trở thành một hợp tác xã trồng nấm Tân Yên lớn mạnh và góp phần làm giàu cho quê hương.