Mới đầu vụ nhưng tại huyện biển Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), giá muối đã ở mức 28.000đ- 30.000đ/giạ (1 giạ muối = 30 kg); tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Muối được giá, thương lái từ các nơi đổ về mua rất đông. Dọc theo các bờ kênh từ xã Long Điền Tây sang Long Điền Đông… ghe đậu san sát chờ mua muối chở đi các nơi tiêu thụ.
Ông Tư Thanh, ở ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây hớn hở: “Giá muối khởi điểm cao thế này bảo đảm diêm dân sống khỏe”. Vụ muối năm ngoái, ông Thanh canh tác 4ha, lúc thu hoạch bán giá không cao nhưng vẫn lãi 150 triệu đồng. Vụ này giá muối tăng, ông Thanh tính nhẩm sẽ bỏ túi từ 150 - 200 triệu đồng là không khó.
Cũng ở Long Điền Tây, ông Trịnh Văn Quới khoe: “15 công muối của tôi vừa thu hoạch đợt 1 được hơn 12 tấn. Những đợt tới năng suất sẽ cao hơn nhiều, bởi thời tiết đang nắng gắt thuận lợi cho muối kết tinh. Mừng nhất là muối được giá, hy vọng lợi nhuận sẽ nhiều hơn vụ trước”.
Theo Phòng Kinh tế huyện Đông Hải, sản lượng muối đợt 1 mà diêm dân vừa thu hoạch đã hơn 12.000 tấn, dự kiến, cả vụ đạt từ 70.000- 80.000 tấn. Muối được giá nên thu hoạch đến đâu là bán đến đó.
Ở Bến Tre, hàng chục ngàn hộ dân đang phấn khởi vào vụ muối mới. Ông Trần Văn Liền, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri cho biết: “Ngày nào cũng có thương lái đến hỏi mua muối, tùy theo muối tốt hay xấu mà họ mua giá 30.000- 35.000đ/giạ. Thậm chí, thương lái còn trả tiền trước rồi đong muối sau, sướng lắm”.
Ông Ngô Văn Cao, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh cho hay: “Chưa bao giờ người dân làm muối lên hương như lúc này. Vừa ăn Tết Mậu Tý xong đã trúng vụ muối, với giá này mỗi héc ta muối, diêm dân thu lãi từ 40 - 60 triệu đồng”. Tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Duyên Hải (Trà Vinh)… diêm dân ai cũng mừng ra mặt bởi muối được giá và dễ tiêu thụ.
Đồng muối đang hồi sinh
Nếu như những năm trước, hàng loạt hộ ven biển ĐBSCL ùn ùn phá đồng muối để nuôi tôm, giờ đây nhiều hộ đã quay lại “phá tôm làm muối”. Ông Ngô Văn Thử, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) tiết lộ: “Vụ này, người dân ở các ấp 1, ấp 2 và ấp 7 tiếp tục chuyển 60ha tôm sang làm muối, nâng tổng diện tích muối toàn xã lên trên 165ha”.
Tại huyện Ba Tri, người dân cũng mạnh dạn san lắp vuông tôm chuyển sang làm muối. Theo tính toán của UBND xã Bảo Thạnh, diện tích muối hiện nay đã lên đến 650ha, tăng 120ha so với năm 2007.
Và sắp tới sẽ còn mở rộng thêm. Anh Ngô Văn Cao, Phó Chủ tịch xã Bảo Thạnh nhìn nhận: “Nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi vốn lớn nhưng rủi ro cao. Thực tế thời gian qua đã có không ít hộ lận đận, thậm chí nợ ngập đầu vì con tôm. Trong khi làm muối chủ yếu lấy công làm lời, vốn đầu tư ít nhưng lợi nhuận cao nên xã không khuyến cáo thì người dân cũng ào ạt quay lại làm muối”.
Nhiều hộ nuôi tôm lâu năm ở Bình Đại cho rằng, có thể do nuôi tôm liên tục nhiều năm nhưng thiếu cải tạo đã khiến đồng tôm bị “lão hóa”, dẫn đến tình trạng tôm chết tràn lan kéo dài. Lỗ tôm, ôm nợ nên họ trở lại làm muối hy vọng gỡ gạc (!?).
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết: “Tỉnh đang quy hoạch ổn định vùng muối khoảng 2.000ha. Theo đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao quy trình công nghệ khép kín từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản… giúp bà con nâng cao chất lượng hạt muối”.
Tại Sóc Trăng, ngành nông nghiệp cũng quy hoạch vùng muối kết hợp nuôi trồng thủy sản, nhằm phát triển ổân định lâu dài. Ở Bến Tre, các ngành chức năng đã đầu tư nạo vét hệ thống thủy lợi, làm 4km đường giao thông, xây 4 cầu kiên cố… phát triển vùng chuyên canh muối Bảo Thạnh.
Ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục chế biến thương mại - Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) cho rằng: “Thật ra, giá muối tăng không gây tác động lớn đến người tiêu dùng bởi trung bình 1 người sử dụng muối trong năm chẳng bao nhiêu. Tuy nhiên, việc muối tăng giá đã góp phần rất lớn thay đổi đời sống diêm dân. Chuyện làm giàu từ muối những tưởng xa vời nhưng nay đã thành sự thật”.