Về thăm trang trại trồng nấm của gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, người xem có thể tận mắt chứng kiến quy trình trồng nấm quy củ và khoa học của ông. Từ công đoạn cấy gen, cấy giống, ủ nguyên liệu, giăng bạt phủ… đều được ông tiến hành một cách tỉ mẩn. Với ông, dường như nghề nấm đã trở thành một duyên phận khó rời bỏ.
Sinh năm 1960, ông Nguyễn Văn Lợi vốn là một cựu chiến binh lái xe của Viện nghiên cứu vũ khí hóa học thuộc Binh chủng hóa học, Bộ Quốc phòng. Năm 1988, ông có cơ hội sang Liên Xô (cũ) để học tập và nghiên cứu. Đây cũng là thời điểm ông học hỏi được những kinh nghiệm của người dân Nga trong việc nuôi cấy nấm; cách thức đóng gói, bảo quản rau quả khi vừa hái bằng công nghệ đảm bảo vệ sinh môi trường.
Năm 1991, ông về trở về nước và bắt tay vào công việc trồng nấm với diện tích khoảng 120 mét vuông. Tuy nhiên, do kinh nghiệm còn non trẻ, khí hậu của Việt Nam còn khắc nghiệt với cây nấm nên mô hình của ông đã bị đổ bể, thua lỗ. Tuy nhiên, với ý chí không ngại khó, sự ủng hộ của gia đình, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu sách trồng nấm nhằm thực hiện ước mơ xây dựng trang trại nấm cho riêng mình.
Từ đây, ông đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm với diện tích hơn 1000 mét vuông theo công nghệ cao. Bằng cách điều chỉnh về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… ông có thể tính được thời gian sinh trưởng của từng loại nấm cũng như làm chủ được thời gian nấm đơm chồi và thu hoạch. Với việc áp dụng kĩ thuật mới, các loại nấm mà ông trồng gồm: nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi, nấm đầu khỉ…đã cho năng suất cao. Mỗi ngày, trại trồng nấm của ông cho thu hoạch vài chục ki-lô-gam, thậm chí đến vài tạ nấm vào những thời gian cao điểm. Với giá nhập thị trường khoảng 40 nghìn đồng/ 1kg nấm sò, 100 nghìn đồng/ 1kg nấm rơm, 1 triệu đồng/ 1kg nấm linh chi khô…hằng năm gia đình ông có thể thu nhập trên 500 triệu đồng từ cây nấm. Hiện tại, gia đình ông chủ yếu cung ứng nấm cho thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, trại nấm của ông còn cung cấp gen cho các thương lái Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Lợi bên mô hình trồng nấm sò đạt năng suất cao (Ảnh: Bùi Thủy) |
Chia sẻ về bí quyết trồng nấm thành công, ông Lợi cho biết: “Điều quan trọng nhất khi tiến hành trồng nấm là phải nắm chắc khoa học kĩ thuật; lấy khoa học kĩ thuật làm then chốt. Điều này đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn và thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của nấm, tùy từng điều kiện thời tiết điều chỉnh môi trường thích hợp cho cây nấm phát triển”.
Với phương châm áp dụng khoa học cao trong trồng nấm, ông Lợi đã truyền nghề cho nhiều bà con trong xã, huyện cũng như nhiều hộ sản xuất trong nhiều tỉnh thành cả nước về công thức trồng nấm. Bên cạnh đó, ông còn phối hợp cùng Trung tâm dạy nghề huyện Hoài Đức tổ chức các buổi dạy, tham quan mô hình trồng nấm cho bà con. Nhiều thế hệ học trò, người dân đã thành công, vươn lên làm giàu từ cây nấm từ việc học hỏi mô hình của ông.
Với niềm đam mê dành cho cây nấm cũng như những đóng góp của ông trong việc nhân rộng mô hình trồng nấm, năm 2010 ông đã được nhận danh hiệu Hộ sản xuất kinh doanh giỏi của TP Hà Nội. Bên cạnh đó, năm 2012 ông còn được nhận danh hiệu Người tốt việc tốt do huyện Hoài Đức trao tặng.
Về kế hoạch sắp tới, ông Lợi cho biết, chương trình dồn điền đổi thửa của mô hình xây dựng nông thôn mới đã cho phép ông quy hoạch 1000 mét vuông đất. Thời gian tới, diện tích này sẽ được đưa vào sản xuất nấm năng suất cao. Bên cạnh trồng nấm, gia đình ông sẽ kết hợp trồng rau sạch từ phế thải của nấm nhằm cho ra những sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường.
Nhận xét về mô hình trồng nấm của gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Đông La Nguyễn Hữu Hải Như cho biết: “Ông Lợi là một trong những tấm gương sản xuất điển hình của xã. Với mô hình làm giàu từ cây nấm, ông đã giúp bà con ở trong xã cũng như nhiều địa phương khác lập nghiệp từ cây nấm. Đời sống của nhiều hộ gia đình được cải thiện đáng kể từ khi trồng nấm. Đây là mô hình đầu tư hiệu quả cho năng suất cao; xã cũng đã có nhiều chương trình tuyên truyền nhằm khuyến khích ủng hộ bà con học hỏi theo mô hình trồng nấm của gia đình ông”./.