00:00 Số lượt truy cập: 3047918

Vượt khó làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016

“Biết là chăn nuôi gia cầm rủi ro sẽ cao bởi chúng dễ mắc nhiều loại dịch bệnh nếu không chữa chạy kịp thời, chỉ một con gà bị cúm, không phát hiện nhanh chúng sẽ lây cho cả đàn, mất tiền triệu như chơi, nhưng đã làm thì phải quyết tâm” - Chị Hiền tâm sự.


Chị Hiền đang chăm sóc gà.

Từng là một hộ nghèo của thôn, song nhờ ý chí và nghị lực vượt khó, gia đình chị Trương Thị Mỹ Hiền, thôn Đức Tiến 1, xã Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã vươn lên thoát nghèo, trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương với mô hình nuôi gà thịt trên 1.000 con/lứa, kết hợp với nuôi lợn nái, lợn thịt cho  thu nhập trên 70 triệu đồng mỗi năm.


Sinh ra trong gia đình nghèo, gia đình chồng cũng khó khăn nhưng vốn là người nhanh nhẹn và hăng say lao động, chị Hiền đã cùng chồng xoay xở đủ nghề để kiếm sống. Theo đó, hai vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi nhờ số tiền 10 triệu đồng vay  năm 2008 từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên.

Sẵn có đất rộng, bên cạnh việc trồng thêm ngô, sắn phục vụ chăn nuôI, anh chị còn nấu rượu để tăng thêm thu nhập cho gia đình và phụ giúp cho chăn nuôi. Bình quân mỗi năm, gia đình chị xuất bán gần 3 tấn lợn thịt thu về trên 10 triệu đồng.

Sẵn có chủ trương của UBND tỉnh hỗ trợ cho các hộ dân chăn nuôi quy mô lớn, gia đình chị đã đăng ký chăn nuôi gà thương phẩm với quy mô 1.000 con. Chị Hiền tâm sự: “Biết là chăn nuôi gia cầm rủi ro sẽ cao bởi chúng dễ mắc nhiều loại dịch bệnh nếu không chữa chạy kịp thời, chỉ một con gà bị cúm, không phát hiện nhanh chúng sẽ lây cho cả đàn, mất tiền triệu như chơi, nhưng đã làm thì phải quyết tâm”.

Sau mấy lứa đầu nuôi thử, có những lúc gặp dịch cúm, gia đình chị đem cả bao tải gà đi chôn, nhìn mà xót của, định buông xuôi và quay về làm ăn nhỏ lẻ. Nhưng rồi sau nhiều đêm trằn trọc, anh chị đã tìm đến những hộ đã thành công trong việc chăn nuôi gia cầm để học tập kinh nghiệm, rồi mày mò tìm đọc qua sách báo, cẩn thận cả từ khâu chọn con giống và tự mua thuốc về để tiêm phòng cho gia cầm, ngày nào cũng phải theo dõi xem chúng ăn ra sao, biểu hiện như thế nào để có biện pháp chữa trị kịp thời. Đồng thời chọn phương pháp chăn nuôi không phải bằng thức ăn hỗn hợp hoàn hoàn mà kết hợp giữa thức ăn hỗn hợp và thức ăn có sẵn là ngô sắn, thóc nên chất lượng gà thịt của gia đình chị hơn hẳn, chắc thịt và có giá hơn.

Thành công đã mỉm cười với gia đình chị Hiền. Dịp tết Nguyên đán 2011, khách ở các nơi đến đặt mua mà chị không còn gà để bán, còn thương lái thì chỉ cần gọi điện là họ đến ngay không kể số lượng lớn nhỏ. Tuy nhiên, nuôi gà thật không đơn giản. Với gà đẻ trứng ngày nào cũng phải kiểm tra xem chúng đẻ có đều không, khẩu phần ăn đã đảm bảo đủ dinh dưỡng chưa, chuồng đã thoáng mát hay quá kín, rồi phải dọn phân, rắc thuốc hai lần một ngày để phòng các bệnh thông thường cho chúng..., nói chung là nuôi gà phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc. Người ngoài nhìn vào tưởng là đơn giản nhưng cũng đã có nhiều người thất bại không dám nghĩ đến chuyện chăn nuôi lại - chị Hiền cho biết. Không chỉ chăn nuôi gà, gia đình chị Hiền kết hợp cả nuôi lợn thịt và lợn nái.

Thăm khu chăn nuôi lợn, chị Hiền cho biết: “Lứa lợn trước, gia đình tôi xuất bán được trên 1 tấn lợn hơi, còn lại 3 con lợn cũng sắp xuất chuồng để lấy chỗ nuôi tiếp lứa khác khi chúng sắp tách mẹ. Cũng may, gia đình chủ động được vốn chứ không giá lợn giống cao như hiện nay chắc cũng không dám nuôi”.

Quả thật, với người nông dân nghèo nếu biết chăm chỉ lao động, không ngại khó, ngại khổ thì chuyện vươn lên thoát nghèo, làm giàu lúc nào cũng ở trong tầm tay.