00:00 Số lượt truy cập: 3076439

XDNTM giúp hình thành vùng sản xuất hàng hóa 

Được đăng : 03/11/2016

Một trong những mục tiêu chính của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng được coi là điểm đột phá nhưng cũng là khâu “xương” nhất trong quá trình triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, tại 11 xã điểm xây dựng NTM, vấn đề này đã được giải quyết nhờ sự vào cuộc của cả cộng đồng.


Tăng thu nhập

Một trong những điểm sáng về xây dựng NTM là xã Tân Thông Hội (Củ Chi – TP. Hồ Chí Minh). Thành công này là sự vào cuộc không chỉ của lãnh đạo xã mà còn là sự nhất trí, đồng lòng cao của người dân. Theo bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó chủ tịch UBND xã, Tân Thông Hội đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng NTM với hơn 57% lao động qua đào tạo nghề và đặc biệt, có tới 10.000 lao động sau đào tạo được làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Từ nguồn vốn của chương trình, xã đầu tư chủ yếu vào giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục ... Thu nhập bình quân đã đạt 24,2 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với bình quân chung của huyện (18,6 triệu đồng/người/năm). Chia sẻ bí quyết thành công, bà Nhung khẳng định: “Chúng tôi để người dân làm chủ quá trình xây dựng NTM. Họ tham gia đóng góp, xây dựng và giám sát. Tổng số vốn huy động từ dân lên tới hơn 103 tỷ đồng”.

Mặc dù không có nhiều điều kiện thuận lợi như Tân Thông Hội, song cách làm mà xã Tân Hội (Đức Trọng - Lâm Đồng) triển khai trong chương trình xây dựng NTM cũng rất đáng học hỏi. Nhằm đáp ứng tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã đã tận dụng mọi điều kiện để hình thành nên những vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Theo đó, xã tổ chức thực hiện tốt phương án thâm canh tập trung 115ha càphê, 250ha dâu tằm, chuyển đổi đa số diện tích trồng lúa sang làm rau, hoa. Do hình thành được chuỗi sản phẩm hàng hóa tập trung với khối lượng lớn, đã tạo điều kiện cho các nghề dịch vụ phát triển, bởi vậy giá trị sản xuất bình quân đạt 96 triệu đồng/ha (tăng 25% so với năm 2009). Thu nhập bình quân của hộ gia đình tại Tân Hội trong năm 2010 đạt 215 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với trước đây.

Đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho thấy, trong 11 xã điểm NTM đã hình thành tới hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, được xây dựng trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương. Nhờ vậy, hầu hết ở các xã điểm, thu nhập của người dân tăng 20-30% so với trước đây.

Một điểm đáng ghi nhận là, các xã đã liên hệ với các trung tâm, doanh nghiệp để được bao tiêu sản phẩm. Có đầu ra hiệu quả, nông dân hăng hái tham gia sản xuất. Điều này có thể nhận thấy tại xã Tân Thịnh (Lạng Giang - Bắc Giang). Xã đã hợp tác với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội canh tác cà chua xuất khẩu, trồng cây thuốc lá trên 120ha, nhờ đó thu nhập bình quân của mỗi hộ tăng 25% so với trước khi làm điểm… Trong khi đó, Viện Nghiên cứu cây lương thực và cây thực phẩm đã hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp cho xã Hải Đường (Hải Hậu - Nam Định) triển khai 4 mô hình sản xuất lúa giống cao sản và tiểu thủ công nghiệp…

Nuôi bò sữa, mô hình cho thu nhập cao ở xã Tân Hội Đông.


Cuối năm sẽ hoàn thành chỉ tiêu?

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hùng khẳng định: “Mặc dù giai đoạn đầu, việc bố trí nguồn lực hỗ trợ cho các xã còn chậm, song công tác phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân đã có kết quả rõ rệt. Đến nay, xã nào cũng có 3-4 mô hình sản xuất hiệu quả, một số xã hình thành được các sản phẩm hàng hóa lớn, thu nhập của người dân tăng lên, tạo tiền đề vững chắc cho xây dựng NTM. Đặc biệt, các địa phương đã có những cách làm, vận dụng cơ chế phù hợp trong thực hiện tiêu chí thu nhập, tỷ lệ lao động được đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, vốn là những tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM”.

Song ông Hùng cũng chỉ rõ, hiện vẫn tồn tại một số hạn chế như sản xuất manh mún, nhiều xã vẫn chỉ có các mô hình nhỏ lẻ thuộc các nhóm hộ. Thời kỳ đầu, các xã chỉ chú trọng phát triển hạ tầng, thiếu kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất. Hơn nữa vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất thấp, mới chỉ chiếm 12% tổng vốn đã sử dụng ở 11 xã điểm. Đối với nguồn vốn tín dụng, từ khi có Nghị định 41/NĐ-CP đến nay, ngân hàng chỉ có dư nợ 528 tỷ đồng (bình quân 48 tỷ đồng/xã), đây là số vốn rất thấp so với nhu cầu.

Vì thế, thời gian tới, Ban chỉ đạo yêu cầu các xã phải dành ít nhất 20% số vốn Trung ương hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Muốn đạt hiệu quả, nhất thiết phải phối hợp và giao cho Hội Nông dân hoặc Hội Phụ nữ tư vấn cho các hộ xây dựng phương án sản xuất, tín chấp cho các hộ vay vốn. Bên cạnh đó, nhằm có nguồn lực nhiều hơn nữa, xã cần tích cực thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đánh giá: “Tiêu chí phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho nông dân là chỉ tiêu khó đạt nhất trong xây dựng NTM. Xây dựng NTM phải coi trọng cả phát triển nông nghiệp lẫn phát triển phi nông nghiệp. Việc đào tạo nông dân phải gắn với từng mô hình cụ thể, không nên đưa nghề quá xa vời vào thực tế. Phấn đấu cuối năm nay các xã điểm đều đạt tiêu chí số 10, 12 của Bộ tiêu chí quốc gia NTM”.