00:00 Số lượt truy cập: 3078416

XK Nông - lâm - thuỷ sản: Tăng trưởng trong gian khó 

Được đăng : 03/11/2016
Mặc dù gặp không ít khó khăn do hạn hán, dịch bệnh, suy giảm kinh tế nhưng 6 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản vẫn tăng trưởng khá. Tuy nhiên, theo nhận định, từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu sẽ còn gặp không ít khó khăn. Do đó, ngành nông nghiệp cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.

Tăng trưởng trong nghịch lý

Đánh giá những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong 6 tháng qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho rằng, ngành nông nghiệp đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn do diễn biến bất thường của thời tiết như mùa đông ấm bất thường, hạn hán, dịch bệnh... Tất cả những yếu tố đó đã ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Chính phủ mà cụ thể là 8 nhóm giải pháp được đưa ra từ đầu năm, cùng với sự cố gắng của bà con nông dân nên sản xuất nông nghiệp vẫn được mùa, lâm nghiệp tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu thủy sản cũng tăng trưởng khá. Ngoài ra, kinh tế thế giới đã khôi phục, nhu cầu tiêu dùng tăng đã góp phần đưa xuất khẩu trong nửa năm 2010 có bước tăng trưởng ngoạn mục.

Cụ thể, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong 6 tháng đầu năm tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tổng giá trị xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD (trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 4,6 tỷ USD), tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53,5% kế hoạch năm 2010. Trong đó, gạo là mặt hàng cho giá trị lớn nhất. ước sản lượng xuất khẩu gạo tháng 6 đạt 720.000 tấn, thu về 370 triệu USD; đưa tổng lượng gạo xuất khẩu nửa đầu năm lên 3,6 triệu tấn, trị giá 1,87 tỷ USD. Bên cạnh đỏ, các mặt hàng nông sản khác đều có sự tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, điển hình như cao su đạt 565 triệu USD, thủy sản 1,7 tỷ USD...

Theo đánh giá, mặc dù nền kinh tế thế giới mới bước qua khủng hoảng song lượng hàng xuất khẩu của ta đi các nước đều tăng, Hoa Kỳ vẫn đứng ở vị trí số 1, tiếp đến là EU, Nhật Bản...

Tuy xuất khẩu được đánh giá là mang lại nhiều kết quả khả quan song ngành nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, phân bón, vật tư nông nghiệp lên đến 6,38 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ 2009. Điều này đang trở thành nghịch lý đối với một nước đứng hàng nhất, nhì thế giới về xuất khẩu nông sản. “Đây đúng là một vấn đề lớn đang đặt ra. Nhập khẩu có tăng cao hơn so với tốc độ tăng xuất khẩu, trong đó chủ yếu là các nguyên liệu như phân bón, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu gỗ trong ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ”, ông Phát thừa nhận.

Chè là một trong những mặt hàng XK đạt giá trị cao.

Cũng theo ông Phát, Bộ đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để cố gắng cao nhất giảm sự chênh lệch về tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời rà soát các mặt hàng nhập khẩu.

Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường

Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 16 -16,5 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm ngoái và giữ mức tăng trưởng giá trị nông - lâm - thuỷ sản 3-3,2%, ngành nông nghiệp còn không ít việc phải làm... Ngoài ra, 2010 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), do đó xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ giữ vai trò quan trọng, đóng góp vào sự thành công của ngành.

Mặc dù vậy, theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất thường, do đó, để hoàn thành mục tiêu đặt ra, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh duyên hải miền Trung, cần có biện pháp đối phó hiệu quả với tình trạng nắng nóng, hạn hán đang diễn ra. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, chủ trương, chính sách mà Đảng và Chính phủ đã ban hành có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh, thời gian tới, ngành cần đẩy mạnh việc tìm thị trường và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất, giải quyết tốt vấn đề nguyên liệu cho chế biến. Đây là những vấn đề được xác định là việc làm cấp bách và thường xuyên của ngành. Bên cạnh đó, ngành sẽ xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm thuỷ sản tại nước ngoài để tăng cường đầu ra ổn định cho sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian và chủ động điều phối hàng hoá tại các thị trường lớn. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp mở thêm thị trường cho xuất khẩu như phối hợp với các cơ quan ngoại giao, thương mại để tháo gỡ những rào cản và kỹ thuật trên các thị trường xuất khẩu mặt hàng này; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm về sinh vật và hoá chất tồn dư trong nông sản thực phẩm, tập trung hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất tốt (GAP), tăng dần số sản phẩm nông, thuỷ sản đạt chất lượng GlobalGAP.