XK gạo Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới khi thị trường gạo cấp thấp bị chia sẻ. Bên cạnh đó, diễn biến khó lường của dịch hại, thời tiết song hành cùng biến đổi khí hậu sẽ là những vấn đề đặt ra cho bài toán XK gạo trong thời gian tới.
Đối thủ chính là… Myanmar?
Lâu nay, trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới, người ta thường nghĩ rằng đối thủ chính của Việt Nam là Thái Lan. Nhưng thực tế lại không phải vậy. Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Thái Lan mỗi năm xuất khẩu chừng 8 triệu tấn gạo, thì trong đó có tới 3 triệu tấn là gạo thơm, 2 triệu tấn là gạo đồ.
Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng và đang chiếm lĩnh thị phần gạo cấp thấp ở nhiều thị trường quan trọng. Bằng chứng là trong 4 đợt mở thầu mua gạo 25% tấm của Chính phủ Philippines trong 2 tháng cuối năm 2009, Việt Nam đã trúng thầu phần lớn khối lượng gạo mà nước này chào mua.
Vậy đối thủ chính trong xuất khẩu gạo của Việt Nam là “ai”? Cũng theo ông Trương Thanh Phong, Myanmar sẽ là đối thủ chính của Việt Nam trong thời gian tới, bởi nước này có sản lượng gạo cấp thấp không nhỏ. Theo Bộ Công thương, Myanmar hiện có khoảng 8,26 triệu ha đất trồng lúa. Sản lượng lúa niên vụ 2008/2009 (kết thúc vào tháng 3/2009) là 30 triệu tấn. Trong niên vụ 2009/2010 (kết thúc vào tháng 3/2010), Myanmar phấn đấu tăng sản lượng lúa lên 32 triệu tấn, trong đó có 1,5 triệu tấn gạo sẽ được dành cho xuất khẩu, cao hơn 2 lần so với niên vụ trước (trên 700 ngàn tấn).
Như vậy, có thể thấy lượng gạo xuất khẩu của Myanmar đang gia tăng khá nhanh trong mấy năm trở lại đây. Lượng xuất khẩu này sẽ còn tăng lên khi Myanmar đặt mục tiêu sản xuất mỗi năm 40 triệu tấn lúa trong những năm tới, và khi ấy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu thụ trong nước (khoảng 17 triệu tấn gạo) nước này sẽ có tới vài triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Điều đáng nói là gạo cấp thấp của nước này thường có giá vào loại rẻ nhất thế giới, nên thu hút được nhiều sự quan tâm từ các nước nghèo, nhất là những nước thuộc khu vực châu Phi, vốn quan tâm tới giá cả hơn chất lượng.
Hiện tại, tuy lượng gạo dành cho xuất khẩu chưa nhiều, nhưng Myanmar cũng đang đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm thị trường ở khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Nên nhớ rằng trước đây, Myanmar đã từng là cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Vì thế, khi nước này quan tâm và nỗ lực nhiều hơn trong việc sản xuất lúa và đẩy mạnh xuất khẩu gạo thì hạt gạo Việt Nam sẽ phải chịu thêm sức ép cạnh tranh không nhỏ.
Thận trọng với an ninh lương thực
Đến thời điểm này, biến đổi khí hậu chưa ảnh hưởng nhiều tới sản xuất lúa gạo ở nước ta, nhưng mối lo lắng về an ninh lương thực thì cũng đã cận kề. Mối lo ngại này ngày càng lớn hơn khi mà một số nước trước đây vốn rất mạnh trong sản xuất lúa gạo, thậm chí còn đứng hàng đầu trong tốp những nước xuất khẩu gạo, nhưng giờ lại đang bị thiếu lương thực tới mức phải nhập khẩu gạo với khối lượng lớn.
Theo Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA), trong 3 đợt mở thầu mua gạo hồi tháng 12/2009, do giá cao nên nước này đều không mua được đủ lượng gạo như dự tính ban đầu. Cụ thể, đợt mở thầu ngày 1/12, kế hoạch mua là 600 ngàn tấn nhưng NFA chỉ mua được 509.950 tấn; đợt mở thầu ngày 8/12, NFA mua được 474.252 tấn, trong khi kế hoạch là 600 ngàn tấn; đợt mở thầu ngày 15/12, cũng với kế hoạch 600 ngàn tấn, nhưng NFA dù mua được cao hơn so với 2 lần trước, nhưng cũng chỉ đạt 586.554 tấn. Vì vậy, để đảm bảo đủ lượng dự trữ, NFA đang muốn mua bổ sung tổng cộng 455.189 tấn gạo từ 6 nhà cung cấp đã thắng thầu trong mấy cuộc đấu giá hồi tháng 12/2009.
Điển hình trong trường hợp này là Ấn Độ. Theo ông Trương Thanh Phong, 21 năm qua, kể từ khi Việt Nam trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới, thì Ấn Độ luôn đứng ở hàng thứ 3 trong số các nước xuất khẩu gạo lớn nhất. Vậy mà không ai ngờ tới năm 2010, nước này lại đang phải tính tới việc nhập khẩu vài triệu tấn gạo để bù vào lượng gạo bị thiếu hụt do hạn hán nặng nề.Philippines tìm mua thêm gạo
Ở nước ta, vào thời điểm này, vụ đông xuân ở ĐBSCL đang diễn tiến thuận lợi, nhưng ở miền Bắc và miền Trung, nhiều diện tích sản xuất lúa cũng đang bị đe doạ nặng nề bởi tình trạng thiếu nước trầm trọng. Bởi thế, ông Phong cho rằng ngay từ bây giờ, chúng ta không thể chủ quan với vấn đề an ninh lương thực, không thể ỷ vào việc ở ĐBSCL cứ 3 tháng là có một vụ lúa để rồi thiếu quan tâm khâu dự trữ và thiếu thận trọng trong xuất khẩu gạo.
Mới đây, nhân hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch), tạp chí Time (Mỹ) đã liệt kê một danh sách 10 mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của thế giới có nguy cơ chịu tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có gạo của Việt Nam. Theo đó, sản lượng lúa gạo của Việt Nam có thể suy giảm mạnh khi nước biển dâng lên nhấn chìm nhiều diện tích trồng lúa ở 2 vùng đồng bằng lớn của cả nước.