Những năm gần đây, nước ta luôn đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên, giá hồ tiêu của Việt Nam vẫn luôn thấp hơn Ấn Độ, Braxin hay Indonesia. Nguyên nhân là do chúng ta xuất khẩu qua nhiều kênh trung gian, sản phẩm thô, chất lượng hạn chế…
Sản lượng tăng liên tục Cây hồ tiêu rất kén khí hậu, thổ nhưỡng nên chỉ trồng được ở một số ít quốc gia trên thế giới, trong đó, tập trung nhiều ở Ấn Độ, Indonesia, Braxin, Việt Nam... Từ chỗ chỉ chiếm 0,9% tổng sản lượng hồ tiêu thế giới (năm 1986), đến năm 2007, Việt Nam đã vượt Indonesia, trở thành quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho dù mới tham gia xuất khẩu hồ tiêu 20 năm nay nhưng Việt Nam đã chiếm gần một nửa lượng xuất khẩu của thế giới. Trong vòng 5 năm qua, giá hồ tiêu Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước. Năng suất hồ tiêu Việt Nam năm 2011 được nhận định sẽ đạt khoảng 22,5 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 100.000 tấn, tăng 5,3% so với năm 2010. Trong 7 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu được 81.512 tấn hồ tiêu, kim ngạch 445,5 triệu USD. Theo Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC), hai quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn là Ấn Độ và Indonesia có thể sẽ giảm mạnh sản lượng trong năm nay do mất mùa, đồng nghĩa với việc sẽ hạn chế nguồn cung xuất khẩu, khiến giá hồ tiêu tăng cao. Dự báo, tổng nhu cầu hạt tiêu thế giới năm nay sẽ tăng khoảng 5% so với mức tiêu thụ 320.000 tấn của năm ngoái, trong khi sản lượng hạt tiêu toàn cầu ước đạt 257.000 tấn, ít hơn 33.700 tấn so với năm 2010. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 33.000 tấn tiêu. Hiện, giá thu mua tiêu ở Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục, đạt 140.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với tháng trước. Theo nhận định của giới kinh doanh, từ nay đến cuối năm, giá tiêu có thể tiếp tục tăng. Các thị trường xuất khẩu hồ tiêu truyền thống của Việt Nam như Hoa Kỳ, Đức, khu vực Trung Đông… đều có mức tăng trưởng khá. Để nâng cao hơn nữa uy tín hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới, mới đây VPA đã chọn hồ tiêu Phú Quốc và Chư Sê để quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh nguồn hỗ trợ kinh phí của Chính phủ, VPA đã tổ chức cho các thành viên khảo sát, tiếp cận các thị trường nhập khẩu hồ tiêu tiềm năng tại Trung Đông và EU… để quảng bá thương hiệu hồ tiêu Việt Nam. Chất lượng: Khiêm tốn Mặc dù luôn đứng đầu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu, song giá hồ tiêu nước ta thường thấp hơn một số nước. Trong khi một số "đối thủ" đã chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm được tinh chế với chất lượng cao thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn xuất thô là chính. Và để có năng suất cao, không ít nông dân đã can thiệp thô bạo vào quá trình phát triển tự nhiên của cây hồ tiêu bằng các loại phân hóa học, chăm bón không theo quy trình…, khiến cây hồ tiêu dễ suy kiệt, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Để nâng cao chất lượng hồ tiêu xuất khẩu, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo người dân không nên mở rộng hoặc tìm mọi cách tăng năng suất theo kiểu tự phát mà cần thâm canh cây hồ tiêu theo phương pháp hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cũng như làm tốt khâu bảo quản, chế biến… Các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm vững phương thức giao dịch, yêu cầu của từng thị trường cụ thể, tổ chức các hoạt động phụ trợ để xuất khẩu hiệu quả hơn. Có như vậy, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam mới tạo được tiếng thơm trên thị trường quốc tế. |