00:00 Số lượt truy cập: 3082465

XK nông, lâm, thuỷ sản những tháng cuối năm: Nhiều thuận lợi về thị trường 

Được đăng : 03/11/2016
9 tháng đầu năm 2009, tuy kim ngạch xuất khẩu không đạt được chỉ tiêu nhưng nhóm hàng nông sản vẫn giữ vững phong độ khi kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều tăng. Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2009 của nhóm hàng này đạt khoảng 12,4 tỷ USD. Mặc dù vậy, để nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh, các ban ngành và doanh nghiệp cần phải cố gắng rất nhiều.

Kho gạo XK của Cty Lương thực Long An.

Nỗ lực tăng kim ngạch xấtkhẩu

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2009 ước đạt 41,7 tỷ USD, trong đó nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2008.

Với mặt hàng gạo, sản lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt gần 5 triệu tấn, tăng 33% về sản lượng nhưng giảm 8,22% về giá trị, đạt kim ngạch 2,244 tỷ USD. Nguyên nhân là do giá xuất khẩu gạo giảm 14,5% so với năm 2008. Ngoài ra, một số mặt hàng trong nhóm nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn như càphê cũng giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao su giảm 40%.

Theo các chuyên gia kinh tế, do giá xuất khẩu hàng hóa thế giới giảm nên tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản nước ta giảm 2,4 tỷ USD. Cần nói rằng, nhờ sự gia tăng sản lượng của các mặt hàng gạo, cao su... nên giá trị xuất khẩu kéo lại 1,126 tỷ USD. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các bồ, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp kích cầu của Chính phủ.

Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành là một trong những doanh nghiệp hàng đầu khi có tới 70% sản phẩm được xuất sang thị trường châu Âu, Nhật Bản nhưng cũng không tránh khỏi bị tác động sâu sắc bởi khủng hoảng kinh tế. Mặc dù lượng đơn hàng dồi dào đủ để đảm bảo sản xuất đến tháng 4/2010 nhưng lợi nhuận lại không đạt so với kế hoạch. Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty bày tỏ: “Tăng trưởng của ngành gỗ trong năm 2010 phụ thuộc nhiều vào các bước chuẩn bị từ năm 2009 nên chúng tôi mong Chính phủ có sự hỗ trợ tiếp tục và mạnh mẽ cho các ngành hàng xuất khẩu”.

Cơ hội và những vấn đề ngắn hạn cần giải quyết

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu đã đến đáy. Sau khủng hoảng, bản đồ thị trường đã có những hình nét mới. Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ), nay là Bộ Công Thương, tình hình xuất khẩu sẽ tốt hơn nhưng các bước phục hồi vẫn còn chậm. Mặt hàng đồ gỗ có thể có nhiều ưu thế do thị trường nhà đất đã có những dấu hiệu tốt. Thủy sản và giày dép vào Hoa Kỳ sẽ tăng. Điều các doanh nghiệp cần quan tâm là thời gian này, Trung Quốc đang là thị trường lớn của nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như nhựa, chè, giày dép, hải sản...

Ông Tuyển cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu nên quan tâm khai thác thị trường Nhật Bản vì từ ngày 1/10/2009, thời điểm Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản có hiệu lực, 7.200 dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Nhật có thuế suất bằng 0%, đây là cơ hội cho nhiều sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản ít nhất 86% hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế, trong đó mặt hàng tôm được giảm thuế suất nhập khẩu xuống 1-2%. Một điểm khá lạc quan là chất lượng hàng thủy sản Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của các nước.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, hiện một số doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng và công nhân phải làm tăng ca để đảm bảo lượng hàng phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, những tháng cuối năm thường là “mùa” của đồ gỗ xuất khẩu nên khả năng mặt hàng này sẽ đạt mức 2,7 tỷ USD.

Những tháng cuối năm là khoảng thời gian không nhiều để giải quyết những vấn đề dài hạn (thuế, thay đổi cơ cấu mặt hàng) nên các giải pháp cho xuất khẩu cần tập trung vào những vấn đề ngắn hạn để đạt kết quả khả quan nhất. Về tổng thể, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trong việc điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.