Hiệu quả thu được từ việc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc đã không chỉ tạo cơ sở để đồng bào các dân tộc trong xã tăng thêm thu nhập, đẩy lùi đói nghèo mà còn góp phần quan trọng giúp bà con từng bước thay đổi những thói quen sản xuất lạc hậu…

Người dân ở xã Si Pa Phìn chăm sóc đàn bò của gia đình. (Ảnh: PA)

Si Pa Phìn có trên 5.500 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Thái… Với đặc điểm địa hình rộng, nhiều đồi núi, khí hậu ôn hòa nên Si Pa Phìn có điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc. Nhằm nâng cao đời sống người dân trên cơ sở khai thác thế mạnh của địa phương, ngay từ năm 2010, Đảng bộ xã Si Pa Phìn đã có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo “Phát triển chăn nuôi gia súc” trên địa bàn xã. Theo đó, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, vận động bà con phát triển chăn nuôi tập trung gia súc, UBND xã Si Pa Phìn còn chủ động phối hợp với các ban, ngành của huyện Nậm Pồ mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Tiêu biểu như ông Vàng Văn Lập ở bản Tân Hưng hiện đang sở hữu đàn trâu bò hơn 60 con (trong đó có 26 con đang trong thời kỳ sinh sản) và gần 100 con dê, lợn. Bình quân mỗi năm đàn gia súc mang về cho gia đình ông Lập thu nhập khoảng trên 500 triệu đồng. Ông Vàng Văn Lập chia sẻ: Vài năm trước đời sống rất khó khăn. Nhưng từ khi được cán bộ dạy kỹ thuật, gia đình ông đã biết xây chuồng trại chăn nuôi tập trung; biết cách chăm sóc con trâu, con bò lúc sinh sản… Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông giờ đã tốt hơn nhiều.

Cũng như nhiều địa phương vùng cao khác, trước đây, đồng bào các dân tộc ở xã Si Pa Phìn chủ yếu thả rông trâu bò trong núi. Đàn gia súc vì vậy sinh trưởng chậm, nhất là vào mùa đông thường có nhiều trâu, bò bị chết rét. Đời sống nhiều hộ gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Để chăn nuôi gia súc phát triển bền vững, cán bộ khuyến nông các cấp đã xuống từng hộ gia đình, hướng dẫn bà con cách xây dựng chuồng trại chăn nuôi và kỹ thuật phòng bệnh cho gia súc. Nhờ đó, tình trạng thả rông gia súc đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ gia đình còn tích cực khai khẩn đất hoang, trồng thêm các loại cỏ voi, cỏ sữa để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Đặc biệt, được sự tư vấn, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, nhiều hộ, nhóm hộ trong xã đã liên kết phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng gia trại, trang trại tập trung. Đồng chí Lò Văn Chơi, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn phấn khởi cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã, hầu hết các hộ đều tiến hành khoanh vùng chăn nuôi gia súc của gia đình mình. Tập quán lạc hậu nuôi trâu bò dưới gầm nhà sàn đã không còn. Thay vào đó, người dân đã biết xây dựng chuồng nuôi đúng kỹ thuật, biết giữ gìn vệ sinh chuồng trại để bảo vệ sức khỏe đàn gia súc và bảo đảm môi trường sống.

Theo nhiều hộ chăn nuôi ở xã Si Pa Phìn, một trong những nguyên nhân giúp cho việc chăn nuôi gia súc trên địa bàn phát triển đó là sự quan tâm thường xuyên của chính quyền xã. Xã đã kịp thời phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi và phối hợp, tạo điều kiện cho hơn 850 lượt hộ gia đình trên địa bàn vay vốn lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 22,8 tỷ đồng. Hàng năm, chính quyền xã còn thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện Nậm Pồ, trực tiếp là Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông, khuyến ngư huyện để cử cán bộ xuống địa bàn trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ người dân. Nhờ vậy, người chăn nuôi trên địa bàn xã đã biết làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc; từng bước làm chủ kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh hại đàn gia súc cũng như kỹ thuật nhân giống, tăng đàn. Việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc cũng được các hộ chăn nuôi thực hiện đúng theo chương trình, kế hoạch của huyện triển khai. Do đó, trong những năm qua, trên địa bàn xã Si Pa Phìn gần như không có hiện tượng dịch bệnh bùng phát, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Chị Lò Thị Lanh ở bản Pú Đao chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng chấp hành đúng lịch tiêm phòng vắc-xin nên đàn bò sinh trưởng tốt, không bị bệnh. Khi thương lái thu mua lại được giá vì có đầy đủ giấy tờ tiêm phòng của thú y”.

Theo đồng chí Mùa A Giàng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn, hiện nay tổng đàn gia súc toàn xã đã tăng lên trên 7.100 con, bình quân mỗi hộ có khoảng 7 con trâu, bò. Xã cũng có 19 trang trại, gia trại vừa và nhỏ với mức thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Tiêu biểu là trang trại, gia trại của các hộ gia đình: ông Vàng Văn Lập ở bản Tân Hưng, ông Giàng Sánh Tú ở bản Pú Đao, ông Nguyễn Quang Hòa ở khu trung tâm xã…

Có thể thấy, việc phát triển chăn nuôi gia súc ở xã Si Pa Phìn đã và đang mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của địa phương. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với một xã vùng cao hạn chế về điều kiện canh tác lúa nước như Si Pa Phìn. Được biết, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp người dân trên địa bàn phát triển đàn gia súc. Qua đó, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trong xã./.

Phan Anh