00:00 Số lượt truy cập: 2662528

Xác định cơ cấu bộ giống cây cao su chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên 

Được đăng : 03/11/2016

Sau thời gian nghiên cứu, khảo nghiệm, đến nay, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã xác định được cơ cấu bộ giống cây cao su chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên. Đây là các giống cao su cho năng suất mủ cao, sinh trưởng khoẻ, chống chịu một số bệnh lá chính, chống chịu môi trường (hạn, gió, nhiệt độ thấp...), đáp ứng tốt với kích thích mủ...


Cũng theo Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, đối với những địa bàn có độ cao dưới 600 mét đưa vào sử dụng các giống cao su như: RRIV 4, RRIV 2, PB 260, RRIC 121, GT 1, RRIM 600, PB 255, RRIV 3, VM 515. Các địa phương có độ cao từ 600 đến 700 mét sử dụng các giống PB 260, GT 1, RRIM 600, RRIC 100, PB 255, RRIV 2, RRIV 4... Viện cũng đã đưa ra các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây cao su từ khâu làm đất, chọn giống, trồng, bón phân, chăm sóc, kỹ thuật khai thác mủ...

Hiện nay, phần lớn các tỉnh Tây nguyên tuyển chọn đưa vào trồng bằng các giống cao su có chồi ghép phát triển 2 - 3 tầng lá, sử dụng các loại phân chuyên dụng bón lót, bón thúc kết hợp với chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật rút ngắn chu kỳ kiến thiết cơ bản (từ 6 năm xuống còn 5 năm) sớm đưa vườn cây vào kinh doanh khai thác mủ. Các doanh nghiệp tham gia sản xuất, phát triển cây cao su ở Tây Nguyên cũng đã khảo sát, phân hạng kỹ lưỡng đất để có cơ chế đầu tư, bố trí từng loại giống thích hợp. Các doanh nghiệp cũng thực hiện chặt chẽ việc sử dụng hợp lý chế độ dinh dưỡng nuôi cây, nhất là chế độ bón phân để hạn chế sự phát triển của bệnh héo đen đầu lá và bệnh phấn trắng của cây cao su. Khi các vườn cây cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cây cao su ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã gieo trồng xen các loại cây lạc, đậu tương, đậu các loại để vừa tăng thêm độ mùn cho đất, vừa tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Tuy nhiên, hiện nay, một số doanh nghiệp, nhất là đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đã bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng chủ động mua và đưa vào trồng hàng trăm ha cao su với các loại giống cao su không rõ nguồn gốc.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 177.463 ha cao su, tập trung ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, trong đó, tỉnh Gia Lai có diện tích nhiều nhất. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục chuyển rừng nghèo sang trồng mới thêm 100.000 ha cao su./.