Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, trong quá trình phát triển đã nảy sinh không ít tồn tại, bất cập như công tác quy hoạch không kịp với tốc độ phát triển; sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch, môi trường một số nơi có dấu hiệu suy thoái dẫn đến dịch bệnh phát sinh và mất cân bằng giữa cung cầu; đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất; vấn đề chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế…
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho biết thêm, trong NTTS khó nhất là vấn đề kiểm soát chất lượng đầu vào như thức ăn, giống. Hiện nay, Việt Nam chưa chủ động được thức ăn chăn nuôi trong đó có thức ăn TS. Lượng thức ăn TS tại Việt Nam hầu hết do các nhà máy chế biến nước ngoài sản xuất. Vì vậy, để khắc phục những tồn tại trong quá trình phát triển, việc xây dựng Chương trình Phát triển NTTS đến năm 2020 là cần thiết.
Chương trình đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020, NTTS sẽ trở ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Là ngành sản xuất TS chủ lực cung cấp cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế; tạo thêm nhiều việc làm tăng thu nhập cho ngư dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo của Tổ quốc.
Chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh công tác chọn giống, sản xuất giống có chất lượng cao. |
Ưu tiên những giải pháp đột phá phát triển NTTS
Đóng góp ý kiến xây dựng Chương trình, hầu hết đại diện các Bộ, ngành đều cho rằng, cần đánh giá lại thực trạng NTTS trong thời gian qua đã hợp lý chưa, đặc biệt là đánh giá những mặt tác động xã hội, môi trường để có mục tiêu và giải pháp phát triển cụ thể và phù hợp. Ngoài ra cần có những giải pháp đột phá cho NTTS. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thắng, những giải pháp đột phá đó tập trung vào giống, chủ động về thức ăn, quy trình nuôi trồng và môi trường. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp cùng vào cuộc.
Gắn bảo tồn với NTTS để từ đó phát triển các ngành kinh tế-xã hội khác; Xác định vùng nuôi trồng chủ lực với việc nuôi loại TS nào cho phù hợp… là những giải pháp chính mà đại diện các Bộ, ngành liên quan đã đưa ra.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh cho rằng, trong nông nghiệp xét về thế mạnh tốc độ phát triển thì TS và rừng là 2 lĩnh vực chiếm ưu thế đầu tiên. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về biển và sông nước vì vậy cần dựa vào đó để phát triển ngành TS một cách bền vững.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng tán thành với đề nghị của các Bộ, ngành, chuyển Chương trình thành Đề án Phát triển NTTS đến năm 2020. Trong đó cần phân tích, đánh giá lại thực trạng NTTS trong thời gian qua một cách cụ thể, sát thực tế hơn để có những nội dung, giải pháp cụ thể.
Phó Thủ tướng lưu ý, cần có giải pháp để chủ động được về mặt thức ăn chăn nuôi nói chung và thủy sản nói riêng. Từ đó sẽ không chịu những tác động không ổn định về giá và đẩy mạnh NTTS phát triển. Phó Thủ tướng cũng đề nghị, cần chú ý thị trường nội địa, vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất thức ăn, chế biến TS… Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ NNPTNT tiếp tục hoàn thiện Đề án báo cáo Chính phủ.