00:00 Số lượt truy cập: 2999311

Xây dựng "chuỗi giá trị sản phẩm VAC an toàn" 

Được đăng : 03/11/2016

Vùng đất phía Nam Tổ quốc từ lâu đã nổi tiếng là xứ sở của cây trái ngọt lành khi sở hữu rất nhiều loại trái cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, xây dựng "Chuỗi giá trị sản phẩm VAC an toàn" chính là mục tiêu hợp tác lớn nhất, lâu dài nhất mà Hội Làm vườn (HLV) các tỉnh phía Nam đang cùng nỗ lực thực hiện.


Vàng" trong đất

Là một trong những vựa trái cây ở Tây Nam Bộ, Vĩnh Long có tới 49.000ha cây ăn trái. Thời gian qua, HLV tỉnh Vĩnh Long đã đóng góp vào "thương hiệu trái cây" tỉnh nhà bằng nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó không ít mô hình đạt tiêu chuẩn Global GAP. Tiêu biểu nhất là mô hình trồng bưởi Năm Roi, trong đó riêng huyện Bình Minh có trên 2.000ha bưởi, sản lượng 22.600 tấn/năm. Ba đơn vị trồng bưởi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trên địa bàn huyện là HTX bưởi Năm Roi xã Đông Thành, diện tích 16ha; HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, 23ha và Công ty TNHH The Fruit Republic 18ha. Xã Mỹ Hoà có 1.220ha bưởi Năm Roi với 700 hộ trồng, nhưng chỉ có 26 hộ áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 23ha, năng suất 30-40 tấn/ha/năm. HTX muốn khuyến khích việc mở rộng diện tích trồng bưởi Global GAP bằng cách bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá chợ 1.000 đồng/kg. Hay mô hình sản xuất vú sữa GlobalGAP ở HTX Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) cũng mang lại thành công khi 131 hộ tham gia sản xuất trên diện tích hơn 50ha...

Tuy diện tích trái cây ít hơn, chỉ 27.000ha nhưng Trà Vinh cũng đã có 6 HTX và 24 tổ sản xuất theo mô hình VietGAP. Điều đáng nói là mô hình này nhận được sự đồng thuận của mọi cấp ngành. Cụ thể, UBND tỉnh hỗ trợ 270 triệu đồng để xây dựng thương hiệu quýt đường và đang tiếp tục lên kế hoạch sản xuất dừa sáp, tiến tới xây dựng thương hiệu cho loại trái cây đặc sản trên.

Những dẫn chứng trên cho thấy, tiềm năng trong phát triển trái cây đặc sản ở các tỉnh phía Nam không hề nhỏ, tuy nhiên, tiềm năng ấy vẫn giống như "vàng" trong đất, chưa được khai thác đúng cách và triệt để. Đơn cử như tại HLV tỉnh Kiên Giang, nơi có 6.000ha xoài và 5.000ha cây có múi, mặc dù tỉnh Hội đã nhiều lần chuyển hướng sang phát triển kinh doanh cây đặc sản, hoặc hướng dẫn xử lý ra hoa trái vụ nhằm đem lại lợi ích kinh tế cao hơn nhưng vẫn chỉ là việc làm nhỏ lẻ, chưa mang tính hệ thống. Việc tiêu thụ sản phẩm vẫn phải qua thương lái... Do đó, cách làm thông minh, thức thời nhất hiện nay là liên kết lại để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm VAC an toàn, đó cũng chính là việc làm mà hầu hết các doanh nghiệp và HLV các tỉnh phía Nam đang hướng tới.

Đã liên kết phải chặt chẽ và quy củ

Đó là ý kiến chung của hầu hết các đại diện HLV khi tham dự Hội nghị về "Chuỗi giá trị sản phẩm VAC an toàn" vừa được tổ chức tại Đồng Tháp. Theo đó, ai cũng đánh giá đây là hướng đi đúng, là cách làm để phát huy tiềm năng trái cây của từng vùng, đồng thời hình thành một hệ thống sản xuất, tiêu thụ trái cây mang tính xuyên suốt, giúp nông dân có điều kiện tiếp xúc với cách làm khoa học, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, để thực hiện được tiến trình này, còn nhiều việc phải làm. Theo đại diện của Doanh nghiệp tư nhân Việt Hưng, dù hiểu về lợi ích của chuỗi giá trị này nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Ví như trong sản xuất xoài xuất khẩu, mỗi tỉnh trồng một loại giống khác nhau, dẫn đến sự bất nhất trong sản phẩm. Vừa qua, doanh nghiệp có xuất xoài sang Đài Loan (Trung Quốc) nhưng gặp rất nhiều trở ngại do kích thước không đồng đều, độ chua ngọt cũng khác biệt lớn, độ xanh chín không đồng nhất, bảo quản, vận chuyển khó khăn... Thực tế đó cho thấy, sản xuất nhỏ lẻ sẽ không thể áp dụng được tiến bộ kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng.

Không chỉ có thế, thay đổi tư duy của nông dân trong việc sản xuất những sản phẩm an toàn cũng là rào cản tuy không mới nhưng khó thay đổi. Là người tiên phong trong phong trào sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng ông Nguyễn Văn Hoa, một nhà vườn ở Bến Tre cũng thừa nhận, cần phải có chương trình tuyên truyền cho nhà vườn hiểu để có ý thức sản xuất theo quy trình mới. "Nông dân từ xưa đến nay trồng cây tự phát, không có quy trình kỹ thuật, sử dụng phân thuốc không theo quy định nào cả, do đó muốn họ thay đổi phải hướng dẫn cụ thể", ông Hoa chia sẻ.

Một trong những ý kiến nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu là vấn đề liên kết "4 nhà" trong "Chuỗi giá trị sản phẩm VAC an toàn". Theo ông Bùi Văn Tẩm, nguyên Chủ tịch HLV Kiên Giang, trong mối liên kết "4 nhà", vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Đồng ý với ý kiến này, ông Bùi Văn Lưỡng, Bí thư Thành ủy TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) nhận định: "Rất nhiều hội nghị đề cập tới liên kết "4 nhà" nhưng chưa có "nhà" nào điều hành để liên kết thực sự bền vững. Trong mối liên kết này, nông dân là chủ thể nhưng Nhà nước không tích cực tham gia thì sự liên kết không thể thành công".

Phát biểu tổng kết hội nghị, TS. Võ Mai, Phó chủ tịch HLV Việt Nam đánh giá: "Chuỗi giá trị sản phẩm VAC an toàn là cả một quá trình chứ không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, do đó, cần sự đóng góp và vào cuộc của tất cả các địa phương. HLV Việt Nam hy vọng sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến xây dựng để chương trình sớm đi vào cuộc sống, đem lại những lợi ích to lớn cho hội viên HLV nói riêng, cho nông dân cả nước nói chung".

Dự kiến, trong khoảng tháng 4/2012, Chi nhánh HLV các tỉnh phía Nam, Công ty TNHH Thiên Hồng Long và một số đơn vị sẽ tổ chức Ngày hội sản phẩm VAC an toàn tại TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tại ngày hội, mỗi tỉnh Hội có thể tham gia 1-2 gian hàng miễn phí.