00:00 Số lượt truy cập: 3082412

Xây dựng nền văn hóa thích ứng với thiên tai 

Được đăng : 03/11/2016
Việt Nam được coi là quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đến thời điểm này, một kịch bản nhằm ứng phó với BĐKH cũng đã hoàn tất. BĐKH không chỉ đe doạ tới cuộc sống của con người mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành nông nghiệp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT xung quanh vấn đề này.

Nhiều năm qua, BĐKH đã đã có nhiều tác động đến Việt Nam. Xin ông cho biết ảnh hưởng của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp?

Nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực chịu ảnh hưởng thường xuyên và lớn nhất từ BĐKH. Bão và mưa lũ hàng năm phá hủy hàng trăm ngàn hécta lúa, rau màu và cây công nghiệp. 10 tháng đầu năm 2009, hàng chục trận giông lốc, lũ quét, bão hoạt động trên biển Đông, đặc biệt là cơn bão số 9 đã tàn phá các tỉnh miền Trung. Hạn hán và sa mạc hóa cũng là loại hình thiên tai đứng thứ 3 về mức độ thiệt hại, sau bão và lũ, có năm làm giảm 20- 30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và đời sống nông dân.

BĐKH được cảnh báo sẽ làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, nếu thời tiết thay đổi, thiên tai phức tạp hơn và mực nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, đời sống và sinh kế của hàng chục triệu người, chủ yếu là nông dân. Theo nghiên cứu của Uỷ ban liên chính phủ về BĐKH của Liên Hợp quốc, nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm ngập khoảng 0,3 - 0, 5 triệu hecta đất khu vực Đồng bằng sông Hồng và 1,5 - 2 triệu hecta đất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những năm lũ lớn, sẽ có khoảng 90% diện tích đất của ĐBSCL bị ngập 4 - 5 tháng, chủ yếu là đất lúa. BĐKH cũng làm giảm năng suất cây trồng, nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa sẽ giảm 10%.

BĐKH làm thay đổi cấu trúc mùa vụ, kỹ thuật tưới tiêu, làm suy thoái tài nguyên đất, đa dạng sinh học bị đe dọa, các nguồn gen quý hiếm đứng trước nguy cơ biến mất... Sự thay đổi các yếu tố khí hậu và thời tiết có thể làm nảy sinh một số dịch bệnh mới đối với chăn nuôi.

Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp đã có giải pháp nào để ứng phó với BĐKH, thưa ông?

Công tác giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với BĐKH đã và đang là một phần không thể thiếu trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về công tác thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão. Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện nhiều chương trình, công trình trọng điểm như xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, hàng ngàn hồ chứa nước lớn nhỏ phục vụ cắt giảm lũ, điều tiết nước, kiểm soát lũ, công trình chống sạt lở, hệ thống rừng phòng hộ..., góp phần nâng cao khả năng bảo vệ người dân trước thiên tai.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 với tổng kinh phí thực hiện dự kiến 247.799 tỷ đồng. Chương trình sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cho hoạt động khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực dự báo bão, lũ, hạn hán... nhằm giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Chiến lược giảm nhẹ thiên tai cũng quy hoạch cụ thể cho từng vùng và hoạch định 9 giải pháp thực hiện. Nhà nước cũng đã hoạch định 27 giải pháp phi công trình, với tổng kinh phí 27.700 tỷ đồng. Một trong những giải pháp được Nhà nước chú trọng thực hiện là di chuyển dân cư ra khỏi vùng dễ bị thiên tai. Hiện có 17 điểm sạt lở bờ biển, 968 điểm sạt lở bờ sông và đất núi, 61 lưu vực dễ xảy ra lũ quét, lũ ống với 1, 7 vạn dân cần được di dời cấp bách.

Việt Nam cũng đã xây dựng hoàn chỉnh khung hành động Hyogo với 5 nhóm hành động ưu tiên. Chúng ta cũng đang triển khai chương trình xây dựng trong cộng đồng một nền văn hóa thích ứng với thiên tai.

Thiên tai ngày càng trở nên khốc liệt và bất thường hơn, do đó, Việt Nam rất cần có sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ. ông đánh giá thế nào về sự phối hợp này?

Thời gian qua, các tổ chức phi chính phủ đã giúp Việt Nam rất nhiều trong công tác phòng chống thiên tai. Hiện, sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ được thực hiện ở nhiều địa phương nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng... Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ cũng đã ủng hộ một nguồn kinh phí để nhân dân xây dựng hạ tầng cơ sở tối thiểu phục vụ công tác phòng tránh như nhà trú bão, đường di dời dân...

Xin cảm ơn ông!