00:00 Số lượt truy cập: 2999651

Xây dựng nông thôn mới trên cù lao Ông Hổ 

Được đăng : 03/11/2016

Từ bến phà Trà Môn, lênh đênh trên sóng nước sông Hậu hơn 20 phút là đến cù lao Ông Hổ, nay là xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên - An Giang), quê hương của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, hình ảnh một cù lao xanh hiện ra trước mắt. Mỹ Hoà Hưng đang khoác lên mình chiếc áo mới, thể hiện rõ sự thịnh vượng, sung túc...


Nuôi cá tra bè ở Mỹ Hòa Hưng.

Sức sống mới

Ông Nguyễn Văn Tri, nguyên Trưởng ban quản lý khu lưu niệm Bác Tôn, đưa chúng tôi về ấp Mỹ An 2, trung tâm cù lao Ông Hổ. Trước đây, nơi này kinh tế kém phát triển, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng giờ đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả cao. Chính sự phát triển của kinh tế hộ đã làm cho bộ mặt nông thôn ở đây thay đổi toàn diện. Giờ đây, chuyện nông dân có thu nhập 100 triệu đồng/năm không còn là chuyện hiếm.

Ông Lê Văn Lắm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng phấn khởi cho biết: "Trong 2 năm qua, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã đã thực hiện 21 công trình xây dựng cơ bản, với tổng kinh phí trên 18 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 1 tỷ đồng. Những công trình này giúp hệ thống hạ tầng của cù lao ngày một hoàn thiện hơn, tạo động lực để xây dựng nông thôn mới".

Cựu chiến binh Đỗ Văn Trư ở ấp Mỹ Khánh nhớ lại: "Mười năm trước, khi lên khỏi phà Ô Môi là đụng ngay những con đường sình lầy, đi lại khó khăn. Đêm đến cả cù lao tối om vì không có điện. Còn giờ, đường nhựa thẳng tắp, xe 4 bánh có thể đi về các ấp. Bà con hăng hái lao động, giúp nhau thoát nghèo, làm cho vùng đất này ngày một trù phú".

Đến Mỹ Hòa Hưng hôm nay sẽ thấy rõ sự đổi thay, điện tỏa sáng khắp nơi, thậm chí còn được kéo ra cả các bè cá dọc bờ sông Hậu; nhà nào cũng có ti vi, xe máy, 100% số hộ có điện thoại; giao thông nông thôn đã được bê-tông và nhựa hóa trên địa bàn toàn xã, kể cả các đường nhánh; trạm y tế xã nhiều năm liền đứng nhất nhì TP. Long Xuyên về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đạt chuẩn quốc gia về y tế sớm nhất trong thành phố. Từ năm 2005 đến nay, xã được công nhận và giữ vững danh hiệu Xã văn hóa nhiều năm liền, 8/9 ấp đạt ấp văn hóa và 1 ấp tiên tiến; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nếu như năm 2009 chiếm trên 10% thì nay chỉ còn 3,29%; nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và khá lên từ các mô hình chăn nuôi, dịch vụ du lịch…

Chung tay xây dựng cù lao

Đường giao thông khang trang ở Mỹ Hòa Hưng.


Trên cơ sở phấn đấu phát triển toàn diện, xứng đáng là vùng đất quê hương cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ngoài việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng còn thực hiện khá hiệu quả mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Nhiều phong trào được phát động với sự đồng thuận cao như: đóng góp xây dựng đường giao thông trong 10 năm qua với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng để nhựa hóa hơn 30km đường giao thông). Song song đó, đời sống văn hóa ngày càng phong phú, nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào chỉnh trang hàng rào, cây xanh, các cổng chào ấp văn hóa, tạo bộ mặt khang trang, từng hộ dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường…

Bên cạnh phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng, một mô hình được người dân ủng hộ và duy trì nhiều năm nay, đó là "bồ lúa tình thương" của các ấp với số lượng người dân tham gia khá cao, kịp thời giúp đỡ các hộ gia đình nghèo bị hoạn nạn, thiên tai… Điển hình là bồ lúa tình thương do ông Nguyễn Văn Thương (ấp Mỹ An 2) và nhiều bậc cao niên trong xã vận động để giúp người nghèo. Mô hình này đã được duy trì 10 năm nay, là hình ảnh tiêu biểu cho tình đoàn kết trên cù lao Ông Hổ. Ông Lê Minh Đức ở ấp Mỹ An 1 cho biết: "Bồ lúa lúc nào cũng được các mạnh thường quân đóng góp, duy trì từ 200 đến 300 giạ lúa (4-6 tấn) để giúp những hộ nghèo trong vùng. Nhờ đó mà nhiều hộ bị mất mùa, thiếu ăn qua khỏi giai đoạn khó khăn".

Ngoài ra, bà con Mỹ Hòa Hưng còn biết khai thác tiềm năng du lịch để kinh doanh dịch vụ "khách cùng ở với chủ nhà" (Homestay). Khách có nhu cầu tham quan quê hương Bác Tôn, cứ đặt tour sẽ được công ty du lịch đưa đến các nhà đã ký hợp đồng và cùng sinh hoạt, tham quan với giá... rẻ nhất thế giới, chỉ 25.000 - 30.000 đồng/ngày đêm. Đến nay, xã có 1 nhà du lịch cộng đồng, 3 ngôi nhà do Công ty Du lịch lữ hành An Giang đầu tư và 11 ngôi nhà sàn của bà con cùng nhiều vườn cây sinh thái sẵn sàng phục vụ du lịch nghỉ dưỡng. Ông Tri cho biết thêm: "Bà con trên đất cù lao vinh dự là những người con của quê hương Bác Tôn. Chúng tôi phải sống thế nào cho xứng đáng với vinh dự đó".