00:00 Số lượt truy cập: 3082032

Xây dựng thương hiệu gạo Đồng bằng sông Cửu Long 

Được đăng : 03/11/2016
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, thế nhưng giá trị lại thấp. Lý do rất đơn giản là vì gạo của chúng ta chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất lúa gạo của cả nước. Kết quả sản xuất lúa gạo ở khu vực này quyết định an ninh lương thực quốc gia và duy trì vị trí xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nhìn vào các bước tiến ra thế giới, cần nhìn nhận rằng hạt gạo Việt Nam đã có bước đi tương đối. Tuy nhiên, trên tổng thể, hạt gạo của chúng ta khi xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn mà trong đó công tác xây dựng thương hiệu vẫn là một trở ngại.

Những người tiên phong

Trước đòi hỏi về chất lượng hạt gạo của thế giới, thời gian gần đây, các địa phương sản xuất lúa trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu làm quen với việc xây dựng vùng lúa chất lượng gắn với việc xây dựng thương hiệu. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo một bụi đỏ Hồng Dân.

Hợp tác xã Mỹ Thành của tỉnh Tiền Giang đã thực hiện sản xuất gạo theo tiêu chuẩn Global GAP cho xã viên chuyên “sản xuất lúa chất lượng cao và an toàn”. Tháng 9/2008, lúa gạo HTX Mỹ Thành đã được công nhận Global GAP. Công ty Trách nhiệm hữu hạn ADC đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 20% cho toàn bộ lúa của hộ xã viên.

Còn ở tỉnh An Giang, nơi có sản lượng lúa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã và đang triển khai đầu tư khoảng 4 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng chất lượng thương hiệu gạo xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) trên 3 dòng lúa gạo đặc sản nổi tiếng của địa phương là Nàng Nhen Bảy Núi, gạo thơm Châu Phú và nếp Phú Tân, trong 3 năm (2008-2011). Chương trình này nhằm gắn kết với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu gạo An Giang đáp ứng cho nhu cầu thị trường cao cấp trong nước và xuất khẩu.

Một nông dân trồng lúa giống Nàng Nhen cho biết: “Tôi làm lúa Nàng Nhen  thấy thuận lợi vì có chất lượng, thương hiệu. Sản phẩm làm ra được công ty bao tiêu hết. Nếu giá thị trường gạo thương phẩm là 3.000 đồng/kg thì lúa Nàng Nhen phải cao hơn 1.500 đồng/kg. Bây giờ đã có nhiều hộ làm theo mô hình này”.

Nhất thiết phải có thương hiệu

Xuất khẩu gạo Việt Nam đứng hàng thứ 2 trên thế giới. Trong đó, 90% sản lượng gạo xuất khẩu có nguồn gốc từ Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này rất đáng tự hào. Tuy nhiên, xét trên thực tế, khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam vẫn còn thấp do chất lượng và giá thành còn cao.

Nhìn ở nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, Thái Lan đã có thương hiệu từ lâu và 2/3 diện tích là trồng lúa mùa, 1/3 là lúa cao sản. Giá trị thương phẩm của hạt gạo Thái Lan cao hơn Việt Nam từ 100-200 USD/tấn do chỉ gieo sạ một vài giống chủ lực, sản lượng lớn, đồng nhất.

Về vấn đề này, Giáo sư-Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng: “Chúng ta xuất khẩu lúa gạo đứng hàng thứ 2 thế giới bắt đầu từ năm 1989. Tuy nhiên, gạo Việt Nam khi xuất khẩu chỉ mang nhãn hiệu chung chung. Vì vậy, khi để chung chung như vậy và không có thương hiệu thì giá mua rất thấp, không bằng những loại gạo có thương hiệu thật sự”.

Qua tìm hiểu những nguyên nhân làm cho hạt gạo của Việt Nam chưa phát huy hết giá trị vốn có, nhiều nhà khoa học cho rằng, hệ thống sản xuất giống, công tác quản lý chất lượng giống lúa ở vựa lúa lớn nhất nước vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với vị trí của vùng.

Hiện, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang sử dụng trên 100 giống lúa. Do vậy, rất khó đáp ứng đồng bộ về chủng loại và phẩm cấp của hàng xuất khẩu qui mô lớn. Hơn nữa, gạo xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long là gạo 15% đến 25% tấm chiếm tỷ trọng cao nhất, gạo 5% tấm rất ít. Tỷ lệ gạo nguyên xay xát ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 30-40%, trong khi đó tỷ lệ gạo nguyên ở các nước tiên tiến đạt trên 50%. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đứng vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo nhưng thương hiệu gạo Việt Nam vẫn còn mờ nhạt. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương Thực Việt Nam cho biết: Xu hướng thế giới đang đi vào sản xuất gạo chất lượng cao. Bây giờ họ chủ động mua gạo 5% tấm còn gạo 15%, 25% tấm thì rất hạn chế. Tôi cũng xin lưu ý để thấy rằng nhu cầu gạo chất lượng cao, có thương hiệu đang là một thực tế mà chúng ta phải nhanh chóng thay đổi. Nếu không là không kịp”.

Bắt đầu từ đâu?

Làm thế nào để đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn.

Còn Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng tổ chức lại sản xuất theo hướng cánh đồng một giống ở những tổ hợp tác, trang trại, hợp tác xã. Điều này sẽ thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế dịch bệnh và thực hiện qui trình cơ giới hóa một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho nông dân và doanh nghiệp trong việc bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, hạt gạo Việt Nam mới có thương hiệu.

“Vấn đề hiện nay là cơ chế thị trường, chất lượng hạt gạo phải tốt, ngon và đảm bảo xuất khẩu. Thứ nữa là giống lúa phải chống chịu được sâu bệnh. Do vậy theo tôi trong sản xuất phải chọn giống lúa đáp ứng những yêu cầu này. Trong đó, theo quan điểm của tôi thì chúng ta nên sản xuất 40% lúa thơm và lúa thường, 60% còn lại nên tập trung cho các giống chất lượng cao”.

Theo các nhà khoa học, điều cần làm lúc này là Chính phủ nên đẩy mạnh việc hỗ trợ đưa “thương hiệu gạo Đồng bằng sông Cửu Long” vào Chương trình thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, để tiếp cận thị trường thế giới, cần tăng tính liên kết vùng. Vùng lúa chất lượng cao với quy mô khoảng 200.000 ha ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cần được đầu tư xây dựng tốt là những bước đi đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo đồng bằng.