00:00 Số lượt truy cập: 2994032

Xem nông dân Ấn Độ trình diễn Tegra 

Được đăng : 03/11/2016

Ngước mắt lên tôi thấy một chiếc máy cấy loại nhỏ của Nhật đang tới lui trên ruộng. Hai công nhân, một người lái máy, một người xếp những khay mạ lên khay máy. Tiếng phụp phụp ngọt sớt của cây mạ được cắm xuống bùn.


Trước lúc sang Ấn Độ, ấn tượng về quê hương của cuộc cách mạng xanh nổi tiếng thập niên 60 của thế kỷ trước trong tôi hầu như không có gì. Cách đây chừng hai chục năm, trên tivi Việt Nam xuất hiện loạt quảng cáo của nghệ sĩ Trịnh Thịnh đèo cái tivi màu trên chiếc xe máy Babetta nhảy chồm chồm trên con đường quê lồi lõm sống trâu. Người con gái hỏi tiền đâu mà bố mua tivi, ông bố vểnh chiếc mũi to sần đặc trưng Trịnh Thịnh rồi nói một câu slogan rất nổi tiếng rằng: “Tất cả là nhờ ngô Bioseed mà ra”. Kể từ đó, ngô lai ở VN đồng nghĩa với Bioseed cũng như thức ăn chăn nuôi đồng nghĩa với Cám Cò, xe máy đồng nghĩa với Honda…

Đoàn các nhà báo Việt Nam sau khi chuyển tiếp máy bay ở Singapore với tổng cộng hơn bảy giờ bay đã đến được thành phố Chennai, trước đây có tên là Madras, thủ phủ của bang Tamil Nadu và là thành phố lớn thứ 4 của Ấn Độ. Tọa lạc bên bờ của vịnh Bengal, Chennai là trung tâm công nghiệp và thương mại lớn thứ 3 ở Ấn Độ, được xem là vương quốc ô tô của Ấn Độ với hàng loạt hãng ô tô ngoại quốc lẫn trong nước đặt đại bản doanh ở đây. Trên các biển quảng cáo kích cỡ lớn cũng như xa lộ nhan nhản những chiếc xe hơi mác Tata vốn nổi tiếng thế giới là giá rẻ đệ nhất, rẻ chỉ ngang với một chiếc xe ga tầm trung ở ta.

Ấn Độ vốn ảnh hưởng của một thời thuộc địa Anh, hệ thống giáo dục Anh nên toàn dân nghe nói ngôn ngữ này tốt chỉ kém tí tiếng mẹ đẻ nhưng sự văn minh của Châu Âu dường như vẫn chưa ban ơn mưa móc khắp. Người ta tấp rác hồn nhiên trên phố và cũng… đái đường hồn nhiên hơn rất nhiều so với Việt Nam. Xã hội Ấn Độ có sự phân cấp giàu nghèo rất khủng khiếp. Đường phố không hiếm người lang thang, vạ vật, đun đun, nấu nấu bằng cái xoong, cái lon kê trên mấy viên gạch. Không thiếu các khu ổ chuột chòi lá, mái tôn bị chính quyền quây kín bằng tường xây xung quanh nhưng cũng thừa tỉ phú đô la, có chuyên cơ riêng, có ô tô siêu cấp, biệt thự rộng mênh mông.

Diễn đàn an ninh lương thực ở khách sạn Trident không mấy hấp dẫn các nhà báo Châu Á bởi nó lặp đi, lặp lại những điều không mới như dân số tăng, sự khan hiếm các tài nguyên nước, đất, năng lượng cùng với nạn biến đổi khí hậu cho nên thực sự chúng tôi rất háo hức với hai chủ đề “nóng” là cây biến đổi gen và quy trình làm lúa Tegra. Hiện tại, ở Ấn Độ, bông Bt đang là cây trồng biến đổi gen duy nhất được chính phủ phê chuẩn tuy đang có nhiều công ty đa quốc gia tham gia khảo nghiệm nhiều loại cây, xây dựng hồ sơ để đệ trình cấp phép.

Trả lời NNVN, ông Hardeep Grewal - người đứng đầu về lĩnh vực cây trồng của Syngenta khu vực Châu Á- TBD khẳng định lúa chuyển gen đang có hướng nghiên cứu, tiềm năng lớn, nhất là ở khả năng kháng sâu nhưng 5 năm tới chưa có gì cụ thể, chưa thể đưa vào sản xuất diện rộng được. Ở VN thời điểm này bước đầu Syngenta sẽ chỉ tập trung vào cây ngô biến đổi gen. “Trở ngại lớn nhất cho cây trồng biến đổi gen ở Châu Á theo tôi là các Chính phủ ở đây phải tin tưởng loại công nghệ mới này, cấp phép cho khảo nghiệm và sử dụng. Đấy là thủ tục mà tất cả những công ty nào muốn đưa sản phẩm biến đổi gen vào khu vực phải trải qua, nếu vượt được mọi việc sẽ suôn sẻ”.

Ngày hôm sau, từ thủ phủ Chennai, chúng tôi đi ô tô 105 km về Rama Puram để dự cuộc hội thảo đầu bờ Tegra. Nông thôn Ấn Độ cũng nghèo như miền Trung Việt Nam. Vùng này ruộng đồng không được màu mỡ cho lắm, rặt loại đất pha cát đen sì và cái nóng gần 40 độ suốt ngày hun đức. Hệ thống thủy lợi của Ấn Độ không thể bằng ở Việt Nam. Trên cánh đồng, người ta đào những cái giếng rất sâu, to như cái giếng làng rồi bơm nước lên để cấy lúa.

Địa điểm khảo nghiệm có nhiều thửa nhỏ gồm ruộng của nông dân cấy tay, ruộng nông dân cấy máy và ruộng cấy máy theo phương pháp Tegra. Tất cả cùng gieo trồng một thời điểm nhưng quá trình đẻ nhánh và phát triển của cây lúa khác hẳn nhau. Ở đây cũng đang khảo nghiệm nhiều mật độ, nhiều kiểu làm mạ khay. Mạ khay làm kiểu nông dân hệ rễ không dài, những cây mạ bị tãi vụn khi nhấc ra còn mạ khay làm kiểu Tegra nhấc lên, cuộn vào mang đi dễ dàng nom vẫn đều, mượt tăm tắp như những hàng vệ binh bởi chúng đã được xử lý bằng kỹ thuật và những hóa chất đặc biệt.

Một trong những lợi ích của mạ khay là nếu vào mùa mưa lớn vẫn có thể bảo vệ được. Gặp tiết nóng nực, mạ cũng dễ dàng được cứu nguy bởi mái che bằng lưới mắt thưa, bằng lưới mắt dày hay bằng phên. Loại lưới tốt nhất theo các nhà khảo nghiệm khuyến cáo là lưới mắt thưa, giống loại lưới bảo vệ hoa lan màu nâu sẫm vẫn thường thấy... Tiếng máy nổ xình xịch. Ngước mắt lên tôi thấy một chiếc máy cấy loại nhỏ của Nhật đang tới lui trên ruộng. Hai công nhân, một người lái máy, một người xếp những khay mạ lên khay máy. Tiếng phụp phụp ngọt sớt của cây mạ được cắm xuống bùn. Chiếc máy cấy có 6 hàng với khả năng cấy được 2 héc ta một ngày có giá vào khoảng 20.000 USD.

Theo một đại diện của Syngenta Việt Nam, phương pháp cấy lúa trọn gói Tegra này sẽ được sớm hoàn thiện rồi chuyển giao cho các nước ở Châu Á. Ở VN trước tiên sẽ thử nghiệm Tegra tại miền Bắc nơi có thói quen cấy và nạn khan hiếm nhân công mùa vụ mỗi lúc một nghiêm trọng...

Ông Suresh Babu - người đứng đầu Tegra của Ấn Độ cho tôi biết tóm tắt quy trình gieo trồng lúa kiểu Tegra: Vào mùa vụ, nông dân ra đại lý có gói dịch vụ Tegra chọn giống nào tùy ý, ký hợp đồng với đại lý cần cấy cho diện tích bao nhiêu rồi đặt cọc tiền. Đại lý sẽ chuyển về cho Công ty Syngenta tổng hợp, chọn đúng giống nông dân yêu cầu, xử lý hạt, làm mạ khay và sau 15 ngày sẽ gieo lên đồng ruộng của nông dân, bàn giao sản phẩm. Chưa dừng lại ở đó, cán bộ kỹ thuật của Syngenta sẽ đi thăm đồng ruộng định kỳ để kiểm tra những vấn đề phát sinh, đưa ra những khuyến cáo thời điểm bón phân, tưới nước, phun thuốc gì cho đến tận lúc thu hoạch.

“Chúng tôi mới bắt đầu phương pháp này nên vừa làm vừa điều chỉnh. Khảo nghiệm này đã được Syngenta Ấn Độ tiến hành từ năm 2009, bắt đầu đưa xuống giới thiệu cho người nông dân từ năm 2010 hiện tổng số diện tích áp dụng khoảng vài trăm ha. Khi triển khai mô hình Tegra, lợi ích đầu tiên là việc mạ có bộ rễ rất khỏe, thân cứng cáp, có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh hại rất tốt. Giai đoạn mạ rất quan trọng cho cây lúa phát triển sau này bởi thế nó rất mẫn cảm. Lợi ích thứ hai của Tegra là giảm thiểu công lao động cấy hái. Khi nông dân sử dụng Tegra được trợ giúp không chỉ lúc bàn giao ruộng đã cấy là xong mà được nhận cả gói kỹ thuật, khuyến nông kèm theo cho đến khi thu hoạch. Nếu sử dụng đúng khuyến cáo của Tegra, năng suất tăng trung bình 20-25% so với phương pháp cấy lúa truyền thống với cùng một loại giống trong khi phí đầu vào cho đến giai đoạn cây mạ, Tegra chỉ đắt hơn 10%", theo ông Suresh Babu.