00:00 Số lượt truy cập: 2669247

Xen canh lúa - tôm - cua biển 

Được đăng : 03/11/2016
Thường cua giống được nông dân thả sau tôm từ 1 - 2 tháng và tận dụng chính môi trường nước của con tôm nên không tốn gì thêm, ngoài tiền mua con giống.

 

Làm theo mô hình lúa - tôm + cua, nông dân có doanh thu hơn 100 triệu đồng/ha/năm, trong đó lợi nhuận khoảng 70%

Nông dân các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đang tiến hành thu hoạch tôm sú nuôi trên nền đất lúa (mô hình tôm - lúa) với thắng lợi kép: trúng mùa, được giá.

Ngoài lợi nhuận chính từ con tôm mang lại, nông dân còn có thêm nguồn thu khá từ cua biển thả chung với tôm. Đây là mô hình được đánh giá là hiệu quả, tăng thêm nguồn thu trên cùng một diện tích trong khi chi phí đầu tư tăng thêm không đáng kể.

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm - 1 vụ lúa) phát triển ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL hơn 10 năm nay. Đây là mô hình được các nhà khoa học khuyến khích phát triển vì thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong quá trình nuôi, nông dân đã thả ghép thêm cua biển, tạo thêm nguồn thu nhằm gia tăng tối đa lợi nhuận.

Về vùng SX tôm - lúa lớn nhất tỉnh Kiên Giang vào thời điểm này, đi đâu cũng nghe nông dân í ới gọi nhau hỏi thăm: “Đêm qua dỡ lú (dụng cụ bắt tôm) được bao nhiêu ký, có bắt cua không, giá bán bao nhiêu…”. Và câu trả lời đáp lại nghe cũng rất phấn khởi vì năm nay tôm, cua đều trúng mùa. Với giá như hiện nay, thì nguồn thu từ tôm, cua và lúa trung bình mỗi ha có thể đạt 100 triệu đ/năm, vượt xa so với nhiều mô hình khác.

Ông Bảy Thanh (Đặng Hoài Thanh, 52 tuổi) ở ấp 10 Chợ, xã Đông Hưng, huyện An Minh có hơn 1 ha trước đây chuyên trồng lúa. Khi phong trào chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa phát triển ở địa phương, ông Bảy Thanh cũng mạnh dạn kêu máy xúc vào múc mương, đắp đê bao vuông để nuôi tôm.

Đầu năm 2014, khi thu hoạch xong vụ lúa, ông Thanh bơm nước mặn vào ruộng và tiến hành thả tôm giống. Sau gần 3 tháng chăm sóc, hiện tôm đã đạt trọng lượng 30 con/kg. Giữa tháng rồi, ông Bảy Thanh quyết định xuống lú để thu hoạch. Qua 3 đêm, lượng tôm thu hoạch được 370 kg, bán với giá 210.000 đ/kg, thu về hơn 77 triệu đồng. Hiện trong vuông vẫn còn tôm nhưng ông Thanh đã tạm ngưng, chờ tôm lớn thêm bán sẽ được giá hơn.

Theo ông Thanh, nuôi tôm quảng canh trên đất lúa không tốn nhiều chi phí, chỉ khoảng 10 - 15 triệu đ/ha gồm tiền bơm nước, mua hóa chất xử lý môi trường và con giống. Ngoài con tôm, nông dân còn thả ghép thêm cua biển, để tăng nguồn thu. Thường cua giống được nông dân thả sau tôm từ 1 - 2 tháng và tận dụng chính môi trường nước của con tôm nên không tốn gì thêm, ngoài tiền mua con giống.

“Nguồn thu nhập chính của mô hình này là từ con tôm (khoảng 300 - 400 kg/ha) và cua biển (200 kg/ha). Còn làm lúa mục đích chính là để cải tạo môi trường, tuy nhiên nếu trúng mùa nông dân cũng thu được 4 tấn lúa/ha, thu nhập khoảng hơn 20 triệu đ, đủ chi phí cho cả mô hình trong suốt năm", ông Thanh tâm sự.

Nói về thời vụ SX, ông Bảy Thanh chia sẻ kinh nghiệm, vụ nuôi tôm hàng năm bắt đầu từ tháng 1, đến hết tháng 7 kết thúc là phù hợp. Sau khi thu hoạch xong lúa sẽ lấy nước mặn vào ruộng, tiến hành xử lý môi trường bằng vôi, gây màu nước và tảo trước khi tiến hành thả tôm giống. Mật độ nuôi tôm quảng canh khoảng 2 con/m2 là phù hợp, tùy vào tôm đạt đầu con hay không sau đó có thể thả dặm thêm. Tránh thả quá dày tôm sẽ thiếu thức ăn dẫn đến chậm lớn.

Trong quá trình nuôi tôm, có thể thả xen canh thêm cua. Cua biển nuôi được quanh năm, ngay cả khi trồng lúa cua vẫn có thể phát triển được. Tuy nhiên, nuôi trong môi trường nước mặn thì chất lượng thịt cua sẽ cao hơn. Kết thúc vụ tôm, tận dụng nguồn nước mưa để tiến hành rửa mặn trong đất để chuyển sang làm vụ lúa, sẽ thu hoạch vào dịp cuối năm.

Cùng chung niềm vui với ông Bảy Thanh, ông Tám Thưởng (Trần Văn Thưởng) ở xã Đông Hòa, huyện An Minh cũng đang thu hoạch tôm, cua với niềm vui được mùa. Với diện tích khá lớn, gần 7 ha, mỗi năm gia đình ông Thưởng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tám Thưởng tâm sự: “Do diện tích lớn nhưng nhà lại ít người nên việc chăm sóc không được bao quát và chu đáo như người ta, chứ quanh đây người ta làm trúng dữ lắm. Vụ nuôi năm nay lúc đầu có bị thiệt hại một ít do thời tiết nắng nóng quá. Tuy nhiên, đến thời điểm này tôi đã thu được gần 200 triệu đồng. Lượng tôm, cua dưới vuông vẫn còn tương đối nhiều, thời gian thu hoạch vẫn còn kéo dài 1,5 - 2 tháng nữa mới kết thúc, chắc cũng bỏ túi được 300 - 400 triệu đ”.

Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng NN-PTNN An Minh cho biết, vụ tôm năm nay toàn huyện đã thả giống được 38.218 ha, đạt 102% kế hoạch. Bà con đang trong giai đoạn thu hoạch, chưa có tổng kết chính xác nhưng hứa hẹn sẽ là vụ mùa bội thu vì thời tiết năm nay khá thuận lợi, giá bán cũng khá cao. Qua hơn 10 năm chuyển đổi, có thể khẳng định luân canh lúa - tôm + cua là mô hình SX hiệu quả, có tính ổn định lâu dài và mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân.

Theo thông tin của Phòng NN-PTNT huyện An Minh, diện tích lúa - tôm của huyện năm 2013 là 37.459 ha, năng suất bình quân đạt 340 kg tôm/ha/năm, sản lượng đạt 12.731 tấn; cua thả xen canh đạt trung bình 218 kg/ha/năm; lúa năng suất 4 tấn/ha.

Với giá bán tôm sú năm trước bình quân khoảng 240.000 - 250.000 đ/kg và giá cua là 150.000 đ/kg, lúa 6.000 - 6.500 đ/kg (lúa khô), tổng doanh thu đạt trên 100 triệu đ/ha/năm, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 70%.

Phòng NN-PTNT đang tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến (có sử dụng một phần thức ăn vào cuối vụ) để hỗ trợ, giúp đỡ người dân dần làm quen với cách nuôi mới, nhằm rút ngắn thời gian nuôi và mang lại hiểu quả kinh tế cao hơn.

Cái hay của mô hình lúa - tôm + cua biển là sự kết hợp hài hòa giữa các loại cây trồng, vật nuôi thích ứng với thời tiết từng mùa vụ. Cây lúa được trồng trong mùa mưa, nguồn nước ngọt dồi dào đẩy nước mặn ra khỏi các tuyến kênh rạch. Vụ lúa được trồng trên đất nuôi tôm không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu nhập, mà cái lợi lớn hơn chính là nó giúp làm sạch môi trường.

Trong quá trình sinh trưởng, cây lúa hút dinh dưỡng từ các chất hữu cơ tồn đọng lại do tôm, cua thải ra, nhờ đó nông dân không phải sử dụng phân bón nhiều. Ngoài ra, sau khi thu hoạch, gốc rạ còn lại trên mặt ruộng là môi trường lý tưởng cho các sinh vật phù du phát triển, tạo nguồn thức ăn chính cho tôm nuôi quảng canh.

Còn vào mùa khô, nước mặn từ biển theo kênh rạch lấn sâu vào đất liền, pha chung với nước ngọt, tạo thành nguồn nước lý tưởng cho nuôi tôm nước lợ (độ mặn khoảng 15 - 30%o). Mỗi vụ nuôi tôm quảng canh kéo dài khoảng 4 tháng, kể cả thời gian xử lý nước ban đầu trước khi thả giống. Trong khi đó, mùa khô thường kéo dài từ 6 - 7 tháng, nên nông dân sáng kiến thả xen thêm một vụ cua nữa để tận dụng hết thời gian, đồng thời có thêm nguồn thu nhập không nhỏ với chi phí đầu tư không đáng kể.

Đ.T. CHÁNH - TRẦN HIẾU