00:00 Số lượt truy cập: 2669020

Xí nghiệp giống cây trồng Yên Khê: Cùng bà con khôi phục vùng lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Sau đợt rét “kinh hoàng” đầu năm 2008, việc sản xuất vụ lúa chiêm xuân ở các huyện ngoại thành Hà Nội bị đe doạ. Tuy nhiên, Xí nghiệp Giống cây trồng Yên Khê (Yên Thường - Gia Lâm), đơn vị trực thuộc Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, đã kịp thời cung ứng trên 100 tấn lúa giống giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Chất lượng giống - quyết định “sống còn”

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp ở Hà Nội đã “mất” khá nhiều, song hàng năm vẫn sản xuất trên 50.000ha lúa. Để đảm bảo nhu cầu giống, rất nhiều đơn vị cung ứng “thi nhau” đưa ra thị trường những giống lúa mới. Tuy nhiên, để lại ấn tượng hơn cả với bà con vẫn là Xí nghiệp Giống cây trồng Yên Khê, bởi xí nghiệp đã có thâm niên gần 50 năm cung ứng các loại giống và 16 năm chuyên sản xuất các loại lúa giống đạt tiêu chuẩn quốc gia. Ông Hoàng Đình Ngà, Giám đốc Xí nghiệp cho biết: “Xí nghiệp luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, mỗi năm theo kế hoạch, chúng tôi phải tăng 12-15% doanh thu. Để đạt được điều đó, cần tuân thủ đúng quy trình tạo giống, kết hợp với việc nắm bắt thị trường thật nhanh nhạy”. Xí nghiệp được giao 18ha đất sản xuất, cấy 2vụ lúa giống/năm, ngoài ra còn thuê thêm diện tích của đơn vị bạn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trung bình mỗi năm, Xí nghiệp sản xuất được 10 tấn lúa giống siêu nguyên chủng, 600 tấn lúa giống nguyên chủng. Đặc biệt, trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, Xí nghiệp cung ứng cho bà con trên 100 tấn lúa giống, đảm bảo cấy kịp thời vụ. Riêng các ruộng lúa giống của Xí nghiệp được che phủ 100% bằng nylon nên không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn giống Xí nghiệp cung cấp cho bà con chủ yếu là Khang dân (70%), bởi đây là giống dễ canh tác, cho năng suất cao, ngoài ra còn có Xi23, C70, HT1, N50... Cũng theo ông Ngà, quy trình sản xuất giống của Xí nghiệp rất nghiêm ngặt, vừa phải kiểm định ngoài đồng, vừa kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm, qua rất nhiều khâu chọn lọc.

Chăm sóc lúa giống cũng được Xí nghiệp hết sức chú trọng, đảm bảo cân đối, theo đúng quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Và dù sản xuất theo quy trình nào, hạt giống cũng phải có thời gian sinh trưởng ngắn, đảm bảo năng suất, chất lượng cao. Không dừng lại ở khâu bán giống, hàng năm, Xí nghiệp còn cử cán bộ chuyên trách xuống tận cơ sở để kiểm định chất lượng giống và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con. Vì vậy, những thông tin phản hồi từ 2 phía thường xuyên được cập nhật.

Những người “tử” với nghề

Rất nhiều “kỹ sư chân đất” đã “thuỷ chung” với Xí nghiệp gần trọn cuộc đời. Bà Nguyễn Thị Sợi, người có thâm niên công tác lâu năm ở Xí nghiệp, cho biết: “Chúng tôi gắn bó với ruộng đồng bởi lòng yêu nghề. Bản thân mỗi cán bộ, công nhân phải thực sự là một nông dân cặm cụi trên đồng ruộng… mới mong “sinh tử” được với nghề. Tuy vậy, đồng lương của những người làm nông nghiệp vẫn rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội”. Phó giám đốc Nguyễn Văn Lăng tâm sự: “Quả thực, khó có thể lường hết những khó khăn, bất trắc quanh năm trên đồng ruộng. Vụ chiêm rét, khô hạn; vụ mùa lụt, bão, sâu bệnh. Chi phí đầu tư cao (phân bón, thuốc trừ sâu đếu tăng giá) trong khi giá thành sản phẩm thấp, khiến cho bà con nông dân và cả những người làm công tác nông nghiệp chịu nhiều thiệt thòi. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất, ngoài 5ha rau an toàn (RAT) trong khuôn viên Xí nghiệp, còn tuyển chọn và phát triển tập đoàn giống lúa chất lượng cao. Tuyển chọn các loại giống hoa quý, tổ chức chỉ đạo sản xuất RAT ở 2 xã ngoài bãi - Trung Mầu và Phù Đổng - với diện tích trên 100ha”.