Mở cánh cửa ọp ẹp của nhà xe, lão Xôm khoe: “Một lứa nhím của tôi đấy”. Phía trong là con xe ôtô Toyota Fotuner đời mới trị giá cả tỷ đồng. Có lẽ lão là người Thái đầu tiên ở đất Mường Trời (Mường Thanh, Điện Biên) là tỷ phú chăn nuôi. Công việc của lão rất đơn giản là cho đàn nhím đẻ càng nhiều càng tốt.
Đất Sơn La có nhiều “đại gia” nuôi nhím giàu lên nhanh chóng. Ấy thế mà khi hỏi viết bài về họ, họ lại cảm thấy không tự tin. Mấy ông chủ này khiêm tốn bảo: “Phải đến đất Mường Trời hỏi lão Xôm người Thái. Lão ấy mới là chuyên gia về nhím của đất Tây Bắc”. Nghe họ nói tôi bán tín, bán nghi nhưng cũng vẫn cất công vượt đèo Pha Đin, đèo Tằng Quái đến đất Mường Trời tìm gặp lão Xôm.
Từ đận mua nhím đực về… đẻ
Ngôi nhà lão ở ngay đầu bản. Lão Xôm đang mải miết bán hàng. Năm nay lão mới ngoài ngũ tuần, mái tóc đã bạc hết nhưng thân mình còn săn chắc lắm. Lão ăn nói rôm rả. Lần đầu nhìn ngôi nhà của lão chẳng ai bảo lão có tiền tỷ trong tay. Đó chỉ là một đại lý lớn nơi miền sơn cước. Chưa kịp mời người khách vào nhà thì mấy người bạn đến rủ vợ lão đi học lái xe ôtô. Lão Xôm nói như nịnh vợ: “Vợ mang con xe nhà mình đi tập cho oách”.
Lão nói chưa hết câu, vợ lão đã lườm nguýt lão 1 cái rõ dài: “Lỡm à. Giờ mới tập lái, mang con xe bạc tỷ ấy ra phá xót lắm! Bao giờ lái thạo, lúc đó lấy đi cũng chưa muộn”. Nghe qua câu chuyện của vợ chồng lão thì tôi tin mình đã hỏi đúng địa chỉ.
Lão sinh năm 1960. Tên đầy đủ là Lò Văn Xôm. Cuộc đời lão khốn khó ngay từ thuở còn để chỏm. Nhưng khác với những trai bản, lão lại được ăn học đến nơi đến chốn. Học xong phổ thông, lão về Trường Trung cấp Phát thanh truyền hình Thường Tín học. Ra trường lão về làm phóng viên của Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Lai Châu. Ngày đó lương ba cọc, ba đồng nên không đủ sống. Đầu năm 1990 lão lấy vợ cũng là người cùng nghề nhưng chưa xin được việc làm. Lão xin thôi việc rồi cùng vợ về mở cái quán ở đầu bản. Ngôi nhà của lão khi ấy động mưa là dột tứ bề.
Ấy thế mà vợ chồng lão cứ lần hồi kiếm ăn cũng nuôi được 2 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Một hôm lão vô tình nghe đài nói về một ông triệu phú nuôi nhím ở Sơn La. Nghe xong lão lẩm bẩm: “Lạ! Nuôi nhím mà cũng thành triệu phú cơ à. Cái con lông xù ấy thì bán ai mua. Thịt ăn hôi ngoét”.
Mấy hôm sau có thợ săn người Mông xuống bản bán mấy con nhím rừng. Thế là lão liền mua về nuôi. Lúc đó lão hoàn toàn mù tịt về đặc điểm sinh học của loài nhím. Lão làm cái chuồng rồi thả chúng vào. Hàng ngày cũng cho chúng ăn như nuôi lợn. Lũ nhím ăn khoẻ lớn nhanh như thổi. Chỉ có điều 4 năm sau, chẳng thấy con nào “bụng mang dạ chửa” cả, trong khi đó con nào cũng béo múp đầu.
Lão mang chuyện nói với mấy người bạn. Mấy ông bạn vong niên nhìn lão cười lắc lẻ: “Lão Xôm ơi là lão Xôm! Lão mua phải nhím đực thì chúng đẻ làm sao được”. Hoá ra là vậy, lão ngậm bồ hòn làm ngọt nhưng khi ấy lão cũng không biết thế nào là nhím đực, nhím cái. Về nhà lão nhốt mấy con nhím vào lồng rồi treo lên xem cũng không tài nào phát hiện ra được con đực, con cái. Cuối cùng lão hỏi khắp nơi mới bước đầu phân biệt được. Hơn nữa phải nhốt đôi nào ra đôi ấy chúng mới đẻ được. Từ việc không biết gì về loài nhím dần dà lão vừa nuôi vừa nghiền ngẫm tài liệu và tự rút kinh nghiệm. Từ đôi nhím đầu tiên lão đã gây dựng lên một trang trại nuôi nhím lớn nhất đất Mường Trời. Lão không chỉ xoá được nghèo, làm giàu mà còn trở thành tỷ phú.
...Đến "nhà nhím học"
Hai dãy chuồng nhím lụp xụp sau vườn nhà lão trông như một cái trại bỏ hoang. Nếu không có thứ mùi hôi bay lại, không ai nghĩ đây là nơi ở của những đứa “con vàng, con bạc” của lão Xôm. Thoáng thấy dáng lão đi vào, những chú nhím đều khìn khịt cái mũi. Chúng dùng 2 chân trước chồm lên thành chuồng. Lão Xôm vuốt ve và nói chuyện với chúng như những đứa cháu của mình. Mấy con nhím mắt lim dim, dựa hẳn đầu vào tay ông chủ tựa như đứa trẻ làm nũng bố mẹ.
Lão coi chúng như những đứa con của mình vậy. Thấy lão sờ vào những con vật như vuốt lưng chú chó cưng, tôi cũng đưa tay ra. Lão Xôm quát to: “Đừng động tay vào nó. Nếu anh sờ vào, chúng sẽ xù lông lên thì buốt vào tận tim. Người lạ không đụng vào chúng được đâu”.
Lão Xôm đặt tên cho những đứa con của mình. Nào con Na, Mít, Cồn, con Nưa… Nói chung cái tên nào cũng được lão gọi một cách trìu mến. Mỗi khi nhắc tới chúng lão cảm thấy vui vẻ lắm. Dường như chúng là một phần tất yếu trong đời sống của lão vậy. Tôi có thắc mắc về điều này, lão Xôm cười xoà: Nó là tài sản cơ nghiệp của tôi đấy. Bọn này hay lắm! Cứ cho ăn đẫy vào là đẻ sòn sòn. Này nhé, giờ tôi có 50 đôi nhím. Mỗi năm 1 cặp đẻ khoảng 4 con. Sau 2 tháng, đôi nhím con có thể xuất chuồng, với giá hiện nay bán được 14 -16 triệu đồng. Tính sơ sơ một năm lũ nhím cũng mang lại hàng tỷ đồng chứ chẳng ít.
Mà cũng lạ cái giống này bán thì đắt mà chi phí nuôi nó lại chẳng bõ bèn gì. Tính trung bình một ngày ăn hết 2.000đ. Hơn nữa, chúng chẳng mấy khi ốm đau bệnh tật gì. Chỉ mỗi tội là chúng có mùi hôi. Ấy thế mà lão ngửi nhiều đâm “nghiện”. Một ngày đi đâu xa là lão nhớ chúng da diết.
Suốt những năm qua lão Xôm thực hiện phương châm “3 cùng” với lũ nhím nên lão phát hiện ra nhiều điều thú vị. Lão đưa ra một kết quả nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc: Loài gặm nhấm này sống rất chung thuỷ ông ạ. Nói xong lão nhìn tôi nở nụ cười bí hiểm.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ không tin lắm, nào ngờ lão lại đưa ra lập luận khó chối cãi được: Này nhé những ngày đầu, tôi nuôi ít nhím nên nhốt 1 con đực ở chung với 1 con cái. Nhưng khi số lượng nhiều lên, mỗi lần chuyển chuồng tôi nhốt nhầm con này với con khác kiểu như “râu ông lọ cắm cằm bà kia”. Không ngờ chúng đánh nhau chí chết. Con cái cương quyết không ở với “anh chàng” lạ lẫm kia. Lúc đâu tôi tặc lưỡi kệ, chúng là súc vật thì cần gì phải đổi. Một vài hôm là “bén hơi” nhau ngay ấy mà. Thế là trong năm đó, con nhím cái đó đẻ kém hẳn.
Lão đổi con nọ sang chuồng con kia đến lần thứ 3 thì mấy “nàng” cương quyết không ở. Nó có thể lao vào chuồng tự tử ngay. Cuối cùng thì lão cũng phải nhượng bộ là đôi nào vào đôi ấy. Mọi chuyện lại êm re. Chúng lại đẻ sòn sòn 1 năm 3 đôi. Nuôi nhím mà không nắm được đặc điểm này coi như thua.
Nghe lão Xôm nói chuyện về nhím cả ngày không chán. 10 năm gắn bó với lũ nhím đã biến lão từ một người nghèo khổ trở thành tỷ phú đất Mường Trời. Lão bảo: “Không hiểu sao nhím giống ngày càng lên giá. Một đôi nhím cái trưởng thành giá cao hơn cả cây vàng”.
Lão còn tự hào khoe một phát hiện nữa là làm chuồng gà gần chuồng nhím không bao giờ gà bị dịch. Điều này thì thực tế đã chứng minh. Trong khi các đàn gà trong bản chết như ngả rạ mà gà nhà lão vẫn khoẻ re. Lão còn phát hiện ra một điều rất đặc biệt, lông nhím còn là bài thuốc quý chữa bỏng rất hiệu nghiệm.
Lão kể, một lần có người khách đến mua nhím bị bỏng nặng. Anh ta chạy chữa khắp nơi, bệnh tình có thuyên giảm nhưng vết thương chảy nước vàng hàng năm vẫn chưa liền. Lão liền gọi anh kia vào nhà. Lão lấy lông nhím đốt thành than, rồi nghiền nhỏ rắc vào vết thương. Xong việc lão còn gói cho anh ta một bọc lông nhím. Dặn kĩ người khách kia cách làm. Một tuần sau anh kia gọi điện lại cho lão và bảo: “Tuyệt vời bác Xôm à. Vết bỏng đã liền da. Lạ thế cơ chứ. Cám ơn bác! Không ngờ chuyến đi đó lại 1 công đôi việc”.
Khi đàn nhím của lão tiến dần đến con số 100 đôi cũng là lúc phía kiểm lâm có quy định được phép nuôi và bán loại động vật hoang dã này. Tất nhiên là phải có sự quản lý chặt chẽ của kiểm lâm địa phương. Chính cái quy định đã giúp lão rất nhiều vì trước đây mọi người cứ phải lén lút mua nhím về nuôi. Giờ cả đàn nhím của lão được đánh số má đàng hoàng. Chú nhím con nào ra đời cũng được kiểm lâm đến ghi vào sổ theo dõi.