Hỏi: Nghe nói để thu được hiệu quả kinh tế cao, nhiều nhà vườn đã xử lý cho cam quýt, nhãn, bưởi, sầu riêng… ra trái nghịch mùa. Xin cho biết đối với cây vú sữa liệu có thể xử lý như vậy không? Nếu được, xin được hướng dẫn cách làm?
Huỳnh Văn Thịnh, Long Hồ (Vĩnh Long)
Trả lời: Đúng như bạn đã nghe nói, để thu được lợi nhuận cao trên một đơn vị diện tích, nhiều nhà vườn ở nước ta, nhất là những nhà vườn ở các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái ở các tỉnh Nam bộ thường tìm cách xử lý cho nhiều loại cây ăn trái ra trái nghịch mùa. Với cây vú sữa nếu muốn bạn cũng có thể làm được. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu với bạn kinh nghiệm của một số nông dân ở xã Vĩnh Kim, Châu Thành (một trong những xã chuyên canh cây vú sữa Lò Rèn của tỉnh Tiền Giang) để bạn tham khảo và áp dụng thử.
Trong điều kiện bình thường vú sữa Lò Rèn thường cho trái rộ vào khoảng cuối tháng 11 đến cuối tháng 2 âm lịch, vụ này nhà vườn gọi là vụ chính. Do được thu hoạch dồn dập nên giá vú sữa rất thấp. Như bạn đã biết, cây vú sữa có nhiều cành nhánh, bên cạnh những cành nhánh đang cho trái thì có cả những cành nhánh không có trái. Vào khoảng tháng 8 âm lịch khi trái vú sữa lớn cỡ hột gà, hột vịt thì dùng kéo cắt cành (hoặc cưa) cắt những cành không có trái.
Thường thì chỉ cắt những cành lớn cỡ ngón tay, nhưng nếu muốn kết hợp đốn cho cây thấp xuống thì cũng có thể cắt cả những cành lớn cỡ cổ tay. Cắt cành xong, bón thêm phân để kích thích những cành vừa cắt ra tược non, ra hoa, kết trái (kết hợp nuôi trái cho những cành nhánh đang mang trái). Có thể chia phân bón thành ba đợt chính sau đây:
- Đợt một: Ngay sau khi cưa, cắt cành. Đợt này dùng phân NPK (loại 20-20-15), bón cho mỗi cây (khoảng 10 năm tuổi) từ 1,5-2 kg. Cách bón: dùng cào có răng bằng sắt đặt cách gốc cây 30-50 cm, nhấn cho răng cào ăn sâu xuống đất khoảng 1,0-1,5 cm rồi kéo cào ra phía ngoài cho gần hết phần tán lá (chú ý: không kéo cào ngang vì sẽ làm đứt nhiều rễ), cào nhiều đường tương tự như vậy. Cào xong, rải phân rồi phủ lá lên trên, tưới nước (nếu trời không mưa) cho phân tan và ngấm dần xuống đất thông qua các kẽ đất đã được cào.
Sau khi cắt cành, bón phân khoảng một tháng thì phía dưới chỗ cắt sẽ ra tược mới, khi những tược mới này dài khoảng 30 cm thì sẽ ra hoa.
- Đợt hai: Khi đậu trái. Đợt bón này dùng 1,5 kg phân urea + 150 gram phân kali rải bón cho một gốc.
- Đợt ba: Vào khoảng tháng 11 âm lịch. Đợt này bón dùng 1,5 kg phân urea + 200 gram phân kali và 100 gram vôi bột rải bón cho một gốc.
Làm cách này cây sẽ cho thu hoạch trái vào khoảng tháng 5 âm lịch, ở thời điểm này do là mùa nghịch nên vú sữa lò rèn có giá rất cao. Vụ nghịch thường có nhiều sâu đục trái. Để bảo vệ trái, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường do dùng thuốc trừ sâu thì khi trái lớn cỡ trứng gà bạn phải dùng bao nilon (bao giấy hay bao chuyên dùng) bao trái lại, để ngăn ngừa sâu đục trái và một số sâu bệnh khác như ruồi đục trái, rệp sáp, bệnh thối trái, bệnh bồ hóng trái…
Làm cách này cón làm cho vỏ trái sáng đẹp, bán được giá cao hơn. Cách làm này chủ yếu áp dụng cho những vườn vú sũa còn nhỏ tuổi (khoảng 8-9 tuổi). Cây già khó thành công hơn.